Đầu tư
Đang có nhiều thuận lợi khi gia nhập thị trường qua M&A
Khánh An - 24/11/2020 08:31
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, sự bất định của thị trường khiến nhu cầu chớp cơ hội đầu tư- kinh doanh càng nhanh càng tốt thúc đẩy việc gia nhập thị trường thông qua hình thức M&A.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thưa ông, trong nhận định mới nhất về kinh tế Việt Nam của bà Dabla-Norris, Trưởng đoàn Đoàn Công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) làm việc với một số cơ quan Chính phủ, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có điểm đáng chú ý. Theo đó, IMF tiếp tục dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,4% trong năm nay, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tăng trưởng được dự báo sẽ mạnh mẽ trở lại và đạt mức 6,5% vào năm 2021, khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường. So với thông tin đưa ra hồi tháng 10/2020, dự báo có vẻ khả quan hơn. Ông suy nghĩ thế nào về những thông tin này?

Mọi dự báo đều có cơ sở của nó, nhưng rõ ràng, những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh tác động của Covid-19 vẫn rất phức tạp đã mang lại những tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn, triển vọng này đang đối mặt với thách thức rất lớn và cơ hội chưa thực sự rõ ràng, nhất là ở tầm vĩ mô. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến đầy bất trắc. Những thông tin ban đầu về vắc-xin có thể giải tỏa bớt tâm lý lo ngại, nhưng chưa nói được gì về khả năng dỡ bỏ các điều kiện hạn chế giao thương toàn cầu. Căng thẳng thương mại, đứt chuỗi sản xuất vẫn đang làm khó các doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực…

Nhưng ở tầm vi mô, các cơ hội mới, ngách thị trường… có thể sẽ tạo nên điểm tích cực mới. Bản thân từng doanh nghiệp vẫn đang rất nỗ lực để vượt khó và quan trọng là thay đổi để bắt kịp xu hướng mới, khai thác cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Có thể thấy rõ điều đó trong sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm mới của nền kinh tế số như fintech…

Đặc biệt, trong việc chớp thời cơ này, sự gia tăng của hình thức đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A) đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Đó là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang tái cơ cấu mạnh mẽ không chỉ bộ máy, tổ chức, quán trị, mà cả danh mục đầu tư… Đây là thời điểm đặc biệt thuận lợi cho hình thức đầu tư này.

Trong những khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã không trụ được, thì những động thái tái cấu trúc của doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực cho tăng trưởng những năm tới đây. Tất nhiên, tăng trưởng GDP là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, từ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng xuất khẩu, nông nghiệp khôi phục…, nhưng sự hồi phục và tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp thực sự có ý nghĩa lớn.

Tại sao ông cho rằng, hoạt động M&A đang có môi trường thuận lợi để gia tăng?

Trước hết, phải nhắc đến quan điểm thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn tới, đã được ghi rõ trong các văn kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài được ban hành, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 tới. Trong các văn bản này, quy định về M&A đã được làm rõ với quy trình, thủ tục minh bạch, thuận tiện cho nhà đầu tư.

Thứ hai, giới đầu tư kinh doanh, cả trong nước và nước ngoài đều ghi nhận những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… của Chính phủ. Những cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các tổ chức quốc tế cho thấy điều này.

Thứ ba, những bất định của thị trường khiến nhu cầu chớp cơ hội đầu tư - kinh doanh càng nhanh càng tốt thúc đẩy việc gia nhập thị trường thông qua hình thức M&A, thay vì đầu tư thành lập doanh nghiệp, đầu tư dự án trực tiếp. Với hình thức này, chi phí thời gian, chi phí đầu tư, chi phí vận hành kinh doanh… giảm thiểu đáng kể.

Thứ tư, như tôi đã nói, trong bối cảnh Coivd-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cần tái cơ cấu, rút lui khỏi thị trường. Các giới hạn đi lại trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư mới, trong khi nhu cầu đầu tư, tiềm lực tài chính của nhiều nhà đầu tư rất lớn.

Tôi tin là các yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới.

Thưa ông, cũng có lo ngại rằng, trong bối cảnh khó khăn, sẽ có những doanh nghiệp bị ép phải bán?

Thị trường có tiếng nói của nó. Có thể một doanh nghiệp gặp khó, phải bán bớt đi dự án, cắt lỗ để dồn lực cho hoạt động cốt lõi. Trong trường hợp này, bán được cũng là một thành công với bên bán; bên mua mua được với mức giá hấp dẫn cũng là thành công.

Trong nhiều trường hợp cụ thể, có thể các doanh nghiệp phải cân nhắc tùy theo mục tiêu hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh để có thể tính tới việc kêu gọi các doanh nghiệp Việt tham gia hoạt động M&A với mục tiêu phát triển thương hiệu Việt. Thực tế, đã có những doanh nghiệp chọn cách liên kết với nhau để thực hiện mục tiêu này.

Thêm nữa, vào thời điểm này, khi giá vốn đang hấp dẫn, có thể đây là cơ hội cho các kế hoạch tái cơ cấu, liên kết đầu tư, kinh doanh để vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp.

Còn ở góc độ cơ chế, chính sách, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư được thực hiện các quyết định đầu tư một cách thuận lợi, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên, đảm bảo đúng thông lệ quốc tế và tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác