Đầu tư
Đang thấy cơ hội từ Chính phủ kiến tạo
Khánh Linh - 04/01/2017 08:03
Chia sẻ nhận định về cơ hội đầu tư - kinh doanh trong năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào Chính phủ kiến tạo.
TIN LIÊN QUAN

Một cách ngắn gọn nhất, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nghĩ gì về năm 2017, thưa ông?

Đó là một năm tiếp tục khó khăn, thách thức, nhưng cũng nhiều cơ hội. Đây là điều dễ dự báo khi nền kinh tế hội nhập sâu, doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với những bất định và phức tạp của kinh tế thế giới, của làn sóng công nghệ thứ tư, của biến đổi khí hậu... Thách thức có thể còn rõ hơn khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và cả môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn đang còn nhiều vấn đề.

Nhưng điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đang nhìn thấy cơ hội từ Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.

.

Đó là cơ hội từ sự cải thiện của hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chưa năm nào Chính phủ, địa phương và các bộ, ngành đối thoại nhiều với doanh nghiệp như năm 2016.

Lần đầu tiên sau hơn chục năm kêu gọi, chúng ta đã xóa bỏ được giấy phép con. Các quy định về điều kiện kinh doanh được kiểm soát chặt chẽ theo hướng công khai, minh bạch. Ngay đầu năm 2017, Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới được ban hành có hiệu lực, loại bỏ hơn 20 ngành nghề.

Đó là các kế hoạch hành động của Nghị quyết 19/2016, Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ… đang tiến dần tới mục tiêu Việt Nam sẽ có môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN trong năm 2017. Vừa rồi, Bộ Công thương cũng đã công bố các quy định, thủ tục hành chính sẽ bãi bỏ trong năm nay.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành tiêu chí doanh nghiệp nhà nước và Danh mục các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2017 - 2020. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong các doanh nghiệp này cũng được công bố rõ.

Có thể nói, cơ hội của khu vực tư nhân sẽ mở rộng, trám vào chỗ Nhà nước rút dần khỏi các ngành nghề kinh doanh khi hệ thống chính sách rõ ràng, công khai, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng...

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, niềm tin còn mong manh. Doanh nghiệp đang tin vào những cam kết và hành động của Chính phủ, nhưng chưa thực sự đặt niềm tin này vào từng công chức cụ thể.

Có thể nhìn thấy, cơ hội kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay vẫn ở thế “nếu... thì”?

Thách thức đối với Chính phủ kiến tạo không chỉ là làm ra luật chơi, không chỉ là trọng tài, mà phải thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt phát triển.

Bản thân việc rút chân của vốn nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là định hướng cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Vì khi đó, doanh nghiệp tư nhân có thể đặt chân vào nhiều lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nhưng để doanh nghiệp tư nhân thực sự có thể khai thác cơ hội này, Nhà nước phải đảm bảo thông tin công khai, minh bạch. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân phàn nàn, họ không thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa.

Hay như kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, cả phần cứng và phần mềm, cũng sẽ tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nếu các quy định rõ ràng, dễ tuân thủ.

Đặc biệt, xét chung cả ngắn hạn và dài hạn, các lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam hiện nay là nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Chính phủ cần thúc đẩy khởi nghiệp vào các ngành này thông qua hệ thống chính sách.

Về phía doanh nghiệp, điều gì có thể làm ngay để không bỏ lỡ các cơ hội đang rõ dần lên, thưa ông?

Thích ứng và sáng tạo. Doanh nghiệp phải nâng cấp mình đạt chuẩn mực toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, áp dụng công nghệ..., sáng tạo trong tư duy và hành động.

Vốn liếng có thể vay được, có thể có các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp..., nhưng tư duy thì chỉ có nội lực doanh nghiệp mới thay đổi được. Cuộc cách mạng công nghệ cho phép các doanh nghiệp cải thiện năng lực nhanh hơn. Đây là các yếu tố quan trọng để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, không bị làn sóng hội nhập và cả cuộc cách mạng lần thứ tư đẩy ra bên lề.

Năm 2017 cũng là năm đặc biệt, khi Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội quảng bá, làm việc với cả trăm các CEO đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội này, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp rất nhỏ.

Lần đầu tiên, APEC nói đến doanh nghiệp nhỏ, bên cạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nhập lâu nay vẫn là cuộc chơi của các tập đoán lớn, nhưng vừa rồi, APEC đã nói, không để các doanh nghiệp nhỏ bị bỏ lại phía sau.

Tôi tin, đây là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể chơi cùng với các doanh nghiệp lớn, đi cùng với những người khổng lồ trên con đường phát triển.

Tin liên quan
Tin khác