Viên ngọc quý của thế giới
Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khi đóng góp tới 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (khoảng 7 - 8 triệu tấn/năm, chiếm 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu). Kinh tế các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phát triển nhanh và ổn định, tăng trưởng GDP luôn cao hơn bình quân của cả nước, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, 20% GDP cho cả nước.
Toàn vùng ĐBSCL có hơn 700 km bờ biển, có nhiều bãi biển đẹp, cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch, vườn cây, có đến 3 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý giá.
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp và 20% GDP của cả nước. |
ĐBSCL có lợi thế về một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể nghiên cứu cùng hợp tác với triển vọng kinh tế cao, như phát triển công nghiệp phục vụ tiêu dùng, mở rộng mạng lưới bán lẻ phục vụ cho thị trường hơn 18 triệu dân sinh sống tại đây.
Đánh thức tiềm năng kinh tế
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2016, toàn vùng ĐBSCL đã thu hút được hơn 1.348 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, chiếm 7% lượng vốn FDI của cả nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã thu hút được gần 80 dự án, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2, do Công ty Janakuasa (Malaysia) đầu tư theo hình thức BOT, với vốn đầu tư 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh; Dự án Xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao, tổng vốn đầu tư hơn 171 triệu USD, do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Cần Thơ; Dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 247 triệu USD; Dự án Nhà máy giấy Đại Dương, do nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 2016 trở về trước, thu hút vốn FDI của cả vùng chỉ đạt khoảng 5% so với cả nước, nay tỷ lệ này đã được nâng lên gần 7%, là một tiến bộ, cho thấy nguồn vốn FDI đang có xu hướng chảy về ĐBSCL.
Nhìn nhận ở góc độ nhà đầu tư, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM cho rằng, thời gian gần đây giao thông đã tốt hơn, nên thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL không còn là vấn đề lớn. Khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào, tốt hơn Lào và Campuchia, đó là những lý do tích cực thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều hơn vào vùng đất này.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, có một điều khá thú vị là, mặc dù thu hút đầu tư còn hạn chế, nhưng điểm trung bình về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng ĐBSCL luôn ở tốp dẫn đầu cả nước. Điển hình như trong năm 2015, các tỉnh ĐBSCL dẫn đầu cả nước đến 7/10 chỉ số thành phần, có 4/13 địa phương được xếp vào nhóm rất tốt, tốt. Nổi bật hơn cả là tính năng động, minh bạch và thiết chế pháp lý, kết quả này phần nào giúp nhà đầu tư củng cố thêm niềm tin khi quyết định chọn ĐBSCL là điểm đến.
Mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhưng kinh tế khu vực ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vì vẫn còn nhiều hạn chế như: thiếu liên kết vùng, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chất lượng quy mô lớn để phục vụ chế biến xuất khẩu; các sản phẩm nông sản chủ lực phần lớn chỉ qua sơ chế, giá trị xuất khẩu chưa cao, thu nhập của người sản xuất còn thấp; cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển cho cả khu vực; số lượng doanh nghiệp tại khu vực còn thấp hơn nhiều vùng khác và đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Hậu Giang 2016), sẽ diễn ra các cuộc hội nghị, hội thảo quan trọng, nhằm đối thoại chính sách, ghi nhận những kế sách hay của các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp; xác định cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); vận động tài trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cấp thiết, thúc đẩy hợp tác, kết nối đầu tư để đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho vùng đất giàu tiềm năng này.