Đất công nghiệp dễ dàng “vượt rào” để trở thành đất ở
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Qua đó, cơ quan này phát hiện nhiều sai phạm tại 2 khu đất trước đây do Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ - Matexim (doanh nghiệp do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng.
Theo thông báo kết luận thanh tra ngày 11/10, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 6.849,9 m2 ở số 5 đường 22, Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM đã phát sinh nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra, đề nghị Bộ Công an điều tra nhiều sai phạm trong viết thoái vốn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ảnh: Thanh tra Chính phủ. |
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1977 đến khi UBND TP.HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Công ty Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã quản lý, sử dụng khu đất thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất để sản xuất kinh doanh, nhưng không làm hồ sơ cho thuê đất theo quy định.
Đến năm 2008, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở để xây dựng Dự án Khu nhà ở thấp tầng liền kề có sân vườn, khi không đủ điều kiện, không đúng đối tượng sử dụng đất; không căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất trong dự án đầu tư được phê duyệt; không có thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường; không đúng thẩm quyền.
Thêm vào đó, dù kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của quận Thủ Đức chưa được phê duyệt, song Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài chính đã tham mưu, dẫn đến UBND TP. HCM cho phép Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp sang đất ở.
Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM có ý kiến khu đất này thuộc quy hoạch khu dân cư và việc UBND quận Thủ Đức ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở thấp tầng là không đúng với quy hoạch.
Việc xác định nghĩa vụ tài chính liên quan khu đất trên cũng có nhiều vi phạm. Theo đó, trong việc thẩm định giá đất, Công ty cổ phần Tư vấn - Dịch vụ và Bất động sản đã thẩm định giá đất sai phương pháp, dẫn đến việc xác định tiền sử dụng đất không đủ tin cậy.
Cùng với đó, khi UBND TP.HCM phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án trên đã khiến mật độ xây dựng toàn khu vực tăng 1,84%, hệ số sử dụng đất tăng 0,57 so với khi tính tiền sử dụng đất, nhưng chưa được xác định, truy thu tiền sử dụng đất.
Hàng loạt vi phạm khi chuyển nhượng, triển khai dự án
Kết luận của Thanh tra cũng xác định, quá trình chuyển nhượng dự án trên, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã sử dụng kết quả thẩm định giá sai phương pháp, không đủ độ tin cậy của Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam.
Ngoài ra, giá trị chuyển nhượng dự án cũng chưa tính diện tích 2.256,4 m2 đất ở tại đô thị, với số tiền khoảng 28 tỷ đồng (vốn Nhà nước do Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP nắm giừ 51% vốn điều lệ tại Công ty cố phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ).
Đến năm 2015, công ty này đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới, được Văn phòng Đăng ký đất đai chứng nhận thay đổi nhà đầu tư, trước khi được UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển nhượng dự án.
Vi phạm vẫn tiếp diễn khi tháng 9/2017, dù chưa có thiết kế bản vẽ thi công, chưa được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, song Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới đã khởi công xây dựng dự án.
Các sai phạm tương tự cũng xảy ra ở một khu đất khác của Công ty Vật tư và Thiêt bị toàn bộ là khu đất 1.090 m2 tại số 244 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Theo đó, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất (sai quy định) đối với khu đất trên, và tiếp đó được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã đề nghị và được UBND TP.HCM chấp thuận chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Tuyết Nga vào tháng 1/2017.
Thuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, dự án này vẫn chưa triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, gây lãng phí nguồn lực đất đai, nhưng UBND TP.HCM không kiểm tra, xem xét, xử lý thu hồi đất theo quy định.
Trách nhiệm liên quan tới các sai phạm của 2 dự án trên thuộc về UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành liên quan, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ, Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam...
Chuyển Bộ Công an hồ sơ các sai phạm của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM
Trên cơ sở Kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND TP.HCM các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trên.
Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân của Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ và Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; yêu cầu kiểm tra, rà soát, tính toán xác định lại và truy thu giá trị chuyển nhượng do tính thiếu 2.256,4 m2 đất ở đô thị trong giá trị chuyển nhượng tại Dự án Khu nhà ở thấp tầng.
Cùng với đó, kiến nghị UBND TP.HCM chủ trì, chỉ đạo xử lý những khuyết điểm, vi phạm về điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cơ sở pháp lý để xác định giá trị khi chuyển mục đích sử dụng đất; và việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đối với 2 dự án trên, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an tiếp nhận thông tin, tài liệu để xem xét, điều tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan 2 dự án trên; và việc Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM ký văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 2 khu đất sai quy định, không đúng thẩm quyền.