Chuyển động thị trường
Đất rộng, người thưa, đại gia địa ốc tính toán gì khi rót tiền vào Hậu Giang
Trúc Giang - 21/08/2020 20:41
Là tỉnh đất rộng người thưa, nhu cầu mua nhà đất mới của cư dân trên địa bàn không cao, nhưng vì sao thời gian qua Hậu Giang lại đón nhiều dự án bất động sản quy mô lớn?

Sôi động dự án

Thị trường bất động sản tỉnh Hậu Giang đã trở nên sôi động trong thời gian qua với nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai tại TP. Vị Thanh như: Khu dân cư thương mại ở khu vực 2 và khu vực 3, Khu đô thị mới Cát Tường Western Pearl, Khu dân cư thương mại Vị Thanh...

Bên cạnh đó, vừa qua, Hậu Giang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và năng lực như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã nghiên cứu lập quy hoạch 3 dự án: Khu đô thị mới thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Khu đô thị mới khu vực I, phường 5, TP. Vị Thanh, Khu đô thị mới phường 5, TP. Vị Thanh - ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.

Một doanh nghiệp đang triển khai dự án Khu đô thị mới Vị Thanh tại phường 5, TP. Vị Thanh với quy mô khoảng 39,4 ha và đang nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh khoảng 190 ha, dự án Khu đô thị mới Nam Vị Thanh khoảng 120 ha và dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Châu Thành có diện tích khoảng 691 ha...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, theo chương trình phát triển đô thị dự kiến đến năm 2030, Hậu Giang sẽ có 19 đô thị, gồm 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 9 thị trấn là đô thị loại V. Để đạt mục tiêu này thì nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị là rất lớn. Trong khi đó, điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết, nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tăng cường công tác kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực nhà ở, phát triển đô thị.

Đến nay, UBND tỉnh Hậu Giang đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án.

Sức cầu trước mắt không cao

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đánh giá cao tiềm năng của Hậu Giang khi cho rằng, về vị trí địa lý, Hậu Giang nằm trên tuyến lưu thông huyết mạch của tiểu vùng Tây Sông Hậu, có điều kiện thuận lợi để kết nối dễ dàng với các tỉnh trong khu vực như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.  Đặc biệt, Hậu Giang chính là “người anh em song sinh” và nằm liền kề với TP. Cần Thơ - thủ phủ miền Tây.

Đồng thời, ông Vũ cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Hậu Giang khi nhà đầu tư luôn được quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Chính vì điều này mà các dự án của các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Đất Xanh tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch trong thời gian qua đã tiến triển khá thuận lợi và nhanh chóng.

“Với tổng thời gian bao gồm thực hiện các giai đoạn khảo sát, chấp thuận nghiên cứu; duyệt nhiệm vụ quy hoạch; điều chỉnh 1/2000; duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; duyệt chủ trương kêu gọi đầu tư... chỉ từ 6- 9 tháng, tùy theo tính chất, quy mô của dự án, tiến độ này rất tốt so với các địa phương trong khu vực và cả nước”, ông Nguyễn Vũ nhận xét.

Cùng nhận định trên, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh Hậu Giang, nhất là đối với mảng bất động sản.

Tuy nhiên, ở góc độ sức cầu, theo ông Phúc, đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, thì nơi nào có mật độ dân cư đông đúc, đường phố, người, xe nhộn nhịp... được xem là “điểm cộng”. Trong khi đó, Hậu Giang với quy mô dân số của tỉnh còn ít, ổn định trong nhiều năm qua chỉ khoảng 750.000 dân, đây là điều khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy “boăn khoăn” về đầu ra của sản phẩm.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư bất động sản, giá đất tại TP. Vị Thanh - tỉnh lỵ của Hậu Giang hiện còn rất “mềm” so với các đô thị khác trong vùng. Tại đại lộ Võ Văn Kiệt, một trong những tuyến đường đẹp nhất TP. Vị Thanh, chạy xuyên qua khu hành chính của tỉnh (thuộc địa bàn phường 5), các lô đất mặt tiền đường có diện tích 300 m2 (10 x 30 m) đang rao bán với giá khoảng 2,5 - 2,7 tỷ đồng.

Một số lô nền ở vị trí mặt tiền đường nhỏ hơn tại trung tâm TP. Vị Thanh có diện tích 80 m2 giá rao bán chỉ khoảng 700 - 750 triệu đồng. Tại khu Vincom, trung tâm Vị Thanh, nhà 1 trệt 3 lầu 4 phòng ngủ, 4 nhà WC, 1 phòng khách rộng, 1 bếp rộng (diện tích đất 100 m2) giá chỉ từ 2,5- 2,6 tỷ đồng. Tuy giá thấp, nhưng giao dịch nhà đất ở đây rất ít.

Theo giới kinh doanh bất động sản, giá nhà đất ở TP. Vị Thanh thấp là do nơi đây đất rộng, người thưa, nhu cầu thật sự về nhà ở của cư dân trên địa bàn không cao.

Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận định: “Gần đây, một doanh nghiệp bất động sản đổ về Hậu Giang làm dự án, kèm theo đó là các chiến dịch truyền thông, quảng cáo rầm rộ, với các chiêu bơm hàng, thổi giá đất tại một số dự án. Nhưng kết quả giao dịch rất kém, khách mua thực tế để ở rất ít. Chủ yếu là dân ở các địa phương khác, nhất là ở các thành phố lớn, thấy giá đất ở TP. Vị Thanh quá rẻ nên gom hàng để đầu tư và đầu cơ. Nhưng theo tôi, nhu cầu thực tế của người dân mua nhà đất để ở tại đây không nhiều. Đến lúc nào đó, dân đầu cơ ôm đất lâu không ra hàng được, bị “ngộp” sẽ bán tháo. Khi đó, người bán sẽ nhiều hơn người mua !”.

Việc nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án bất động sản ở Hậu Giang hiện nay chủ yếu là tranh thủ lợi thế quỹ đất đồi dào, chi phí giải phóng mặt bằng thấp tại địa phương này nhằm đón đầu cơ hội trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Lê Phương Đông, nếu thực sự đầu tư tại Hậu Giang thì phải chấp nhận “ôm hàng” dài hạn, nếu có sóng cục bộ, không loại trừ các chiêu trò làm giá, đẩy hàng của một số sàn môi giới, cò đất…

Tin liên quan
Tin khác