Tài chính - Chứng khoán
Dấu ấn chứng khoán tháng 9: Sự hỗ trợ của “tiền rẻ” và những câu chuyện riêng
Thanh Thủy - 30/09/2020 08:36
Dòng vốn rẻ cùng những câu chuyện riêng của các ngành được hưởng lợi từ các chính sách đã hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm vững vàng trong tháng 9/2020.
TIN LIÊN QUAN
.

Ngoạn mục vượt ngưỡng tâm lý

Tháng 9 là một dấu mốc khá đặc biệt của VN-Index. Chỉ số chung sàn HoSE này chính thức vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm hôm 3/9. Dù xen kẽ những phiên điều chỉnh và giằng co, VN-Index vẫn kiên định và có thời điểm tăng lên cao nhất 914,5 điểm. Kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 gây ra tâm lý hoảng loạn và đợt bán tháo trên diện rộng của sàn chứng khoán, VN-Index lần đầu tiên trụ vững ở mốc này.

Thị trường chứng khoán đã có tháng thứ hai tăng điểm liên tiếp. Trước đó, VN-Index đã có thời điểm chạm mốc 900 này, nhưng áp lực giảm từ diễn biến chứng khoán thế giới, sự quay lại lần thứ hai của dịch bệnh, hay sức hấp dẫn của các kênh đầu tư tài sản khác như vàng đã kéo thị trường trượt dài trong tháng 6 và 7.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng tháng thứ ba liên tiếp. Tháng 9 cũng là tháng có giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày lớn nhất từ đầu năm 2020 đến nay (gần 5.002 tỷ đồng/phiên theo số liệu đến ngày 28/9).

Không chỉ ở các con số, sự sôi động của thị trường còn thể hiện ở việc hàng hóa mới tung vào thị trường thời gian này cũng nhanh chóng được hấp thụ. Nếu ở tháng 8, sàn HoSE đón tân binh là APH (Tập đoàn An Phát Holdings) giao dịch tích cực, thì tân binh BCM (Becamex) và ASG (Tập đoàn ASG) ở tháng này đều tăng “nóng” ngay từ khi lên sàn.

Chưa kể, một loạt cổ phiếu mới phát hành trên sàn trong các đợt phát hành chi trả cổ tức hay chia thường của ACB, Hòa Phát… cũng đều được thị trường hấp thụ, không gây ra áp lực điều chỉnh quá lớn lên cổ phiếu, dù nguồn cung tăng lên.

Trong tháng 9, khối ngoại ở vị thế mua ròng, trái ngược với 2 tháng trước. Trong đó, riêng hôm 10/9, các nhà đầu tư nước ngoài chi tới 5.420 tỷ đồng để mua hơn 78,5 triệu cổ phiếu Vinhomes. Cùng đó, dòng vốn ngoại chảy vào quỹ ETF tiếp tục duy trì tích cực, đặc biệt là sự xuất hiện của Quỹ CTBC Investments từ Đài Loan.

Nếu loại bỏ phiên mua thỏa thuận đột biến cùng các giao dịch mua vào chứng chỉ quỹ ETF, xu thế chủ đạo của khối ngoại vẫn là bán ròng. Nguồn tiền của nhà đầu tư nội, đặc biệt là các cá nhân, là động lực giúp thị trường tăng điểm, bất chấp thời điểm nhiều sàn chứng khoán thế giới đảo chiều trước áp lực chốt lời.

Sự hỗ trợ của “tiền rẻ” và những câu chuyện riêng

Một trong các yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán đã được nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh là yếu tố “tiền rẻ”. Liên tục các tháng gần đây, các nhà băng phải thường xuyên điều chỉnh lãi suất tiền gửi.

Thống kê của Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 1-2,5 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là nhu cầu tín dụng yếu (tăng trưởng đến ngày 16/9 chỉ đạt 4,81%, trong khi mục tiêu cả năm 2020 là 14%). Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa kéo lãi suất tiền gửi giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, như vàng hay bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao. Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy, số lượng tài khoản môi giới mở mới trong tháng 8 tăng 4,8% so với tháng trước (lên 28.300 tài khoản) và là mức cao nhất kể từ năm 2019 (15.000 - 20.000 tài khoản/tháng). Ngoài ra, đã có những tín hiệu cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ bắt đầu tăng mạnh kể từ cuối tháng 7/2020.

Cùng với đó, những câu chuyện riêng khiến một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là nhân tố dẫn dắt đà tăng thị trường tháng 9. Điều này phản ánh một phần kết quả kinh doanh mà nhóm này đạt được theo công bố tại báo cáo tài chính nửa đầu năm. Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy, ngành ngân hàng là trụ cột chính đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2020. Tỷ trọng trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng từ mức 28,5% cùng kỳ năm 2019 lên 41,2%.

Điều được ngành ngân hàng cùng các doanh nghiệp vay nợ chờ đợi là việc nới thời hạn cơ cấu nợ, giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Thông tin mới đây từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh theo tinh thần kéo dài thời gian hỗ trợ.

Các cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh nếu tính từ đợt giảm ngày 31/3 đến nay, với mức tăng bình quân trên 40%. Trong đó, đi lên mạnh nhất từ đáy là cổ phiếu HDB của HDBank (+72%), ACB (+60%), STB của Sacombank (+60%)… Vietcombank sau một thời gian giảm giá trị vốn hóa đã giành lại ngôi vương, với tổng giá trị 318.963 tỷ đồng đến ngày 25/9.

Kỳ vọng cú hích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng giúp nhiều cổ phiếu tăng điểm các tháng gần đây. Điển hình là cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Sao Ta tăng 123%, cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với mức tăng 113% từ hôm 31/3. Thực tế, những kỳ vọng từ thị trường chứng khoán không phải không có cơ sở. Doanh thu xuất khẩu Vĩnh Hoàn 8 tháng đầu năm vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự cải thiện rõ rệt từ thị trường châu Âu với mức tăng tới 40%.

Câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công cũng hỗ trợ giá cổ phiếu trong tháng 9 và dự kiến còn tiếp tục trong thời gian tới. Theo BSC, nhóm hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa đường. Nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực này đã tăng mạnh như PLC (Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex) tăng 128% so với thời điểm 31/3, cặp đôi HSG (Tập đoàn Hoa Sen), HPG (Tập đoàn Hòa Phát) cũng tăng trưởng mạnh.

Trái với ngành ngân hàng, đa phần các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh không mấy sáng sủa do việc cho thuê đất mới bị hạn chế trong ngắn hạn. Các chuyến bay quốc tế bị hạn chế gây áp lực đáng kể đến việc xúc tiến đầu tư và tiến độ cho thuê các khu công nghiệp. Hầu hết các giao dịch thành công được ghi nhận trong năm nay đều đến từ những khách hàng đã hoàn tất thương thảo từ năm ngoái và trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy, Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao mới. Nhà cung cấp, đối tác của những ông lớn công nghệ thế giới như Apple, Google... đã có những động thái gia nhập thị trường Việt Nam. Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ những chuyển động mới này.

Câu chuyện ở Vĩnh Hoàn

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn tại Việt Nam, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chỉ mới xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2017, nhưng thị trường này đóng góp ngày càng nhiều trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường thu hẹp quy mô nhanh nhất những tháng gần đây do đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 8/2020, khi doanh thu tại Trung Quốc giảm tới 26% và đi ngang tại Mỹ, thì châu Âu trở thành thị trường tăng trưởng chủ lực, mở rộng được đến 40%.
Tin liên quan
Tin khác