Doanh nghiệp
Đau đáu với xử lý rác
Hồng Đăng - 25/04/2016 09:02
Dù đã đạt được những thành tích đáng nể trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng và hạ tầng, song lãnh đạo Công ty cổ phần Hải Đăng luôn đau đáu với ngành xử lý rác thải ở Việt Nam, dù đây là ngành được đánh giá là rất… xương xẩu.

Từ thành công với các công trình xây dựng lớn…

“Ngày đầu mới thành lập, Công ty cổ phần Hải Đăng chỉ có 4 anh em xuất thân từ nghề tư vấn giám sát. Nhưng chỉ qua thời gian ngắn, chúng tôi đã tạo dựng được một thương hiệu uy tín trong và ngoài tỉnh Tây Ninh”, ông Thái Trường Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng tự hào.

Ông Giang cho biết, Công ty mới thành lập năm 2008, nhưng tới nay, đã hoàn thành tới hơn 100 dự án thuộc đủ các loại hình, như đường giao thông, san lấp mặt bằng, nhà xưởng công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cấp nước, nhà chung cư cao tầng, cao ốc, khách sạn…

Dây chuyền công nghệ phân loại và xử lý rác tại Nhà máy Xử lý rác thải Tây Ninh

Có thể kể tên các nhà máy mà Hải Đăng đã và đang xây dựng tại Khu công nghiệp Phước Đông (Gò Dầu, Tây Ninh) như Công ty TNHH Brotex (Việt Nam), Công ty TNHH Lai Sun Việt Nam, Công ty TNHH GainLucky Việt Nam, Công ty TNHH LuThai…

Hay dự án của Tập đoàn TeaWang (Hàn Quốc) trong Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, Dự án Nhà máy nước AquaOne tỉnh Hậu Giang; Gói thầu EPC Dự án Nhà máy nước cấp Khu công nghiệp Tân Hội, Dự án Nhà công vụ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh).

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Hải Đăng tham gia xây dựng các dự án như khách sạn của tỉnh đội, trụ sở Ngân hàng Chính sách tỉnh, Ngân hàng BIDV, Tòa án tỉnh…

Hải Đăng cũng tham gia xây dựng và hoàn thành các tuyến đường trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, như tuyến đường 781 (dài 8,5 km), đường 782-784 (dài 10 km), đường 788 (dài 21 km), đường đô thị Điện Biên Phủ (dài 4,3 km)…

Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư hơn 100 người, tổng doanh thu 2 năm qua của Hải Đăng đạt trên 1.000 tỷ đồng, Công ty đang mở rộng cơ sở sản xuất với 2 trạm trộn bê tông tươi có công suất 250 m3/giờ, 1 trạm sản xuất bê tông nhựa nóng có công suất 120 tấn/giờ, đồng thời đầu tư thiết bị cơ khí, thiết bị thi công, phương tiện vận chuyển, nhằm tạo sự chủ động hoàn toàn trong việc thi công các công trình lớn nhỏ.

... Tới nỗi đau đáu về xử lý rác thải

Dù rất thành công trong lĩnh vực xây dựng, nhưng lãnh đạo Hải Đăng lại đang cùng các cộng sự của mình bắt tay vào một lĩnh vực rất mới mẻ: xử lý rác thải.

“Làm nghề xây dựng, đi giám sát thi công hạng mục ngầm của nhà máy xử lý rác thải, tôi thấy một vấn đề quá lớn mà nếu không được giải quyết sẽ để lại hậu quả rất lớn. Do công nghệ lạc hậu, nhiều nhà máy xử lý rác thải chọn hình thức chôn lấp rác. Trong đó, phần bạt lót rất dễ bị hỏng, khiến chất thải ngấm sâu vào lòng đất, để lại hậu quả khôn lường về môi trường”, ông Thái Trường Giang mở lời về cơ duyên khiến Hải Đăng đến với ngành xử lý rác thải.

Do có đối tác sở hữu sáng chế công nghệ xử lý rác độc đáo, ông Giang cùng các cộng sự lập Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh. Với Dự án Nhà máy Xử lý rác Tây Ninh mà Công ty là chủ đầu tư, công nghệ “ủ hiếu khí tốc độ cao” được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả rất tốt.

“Công nghệ này đã giúp phân loại rác, trong đó có một phần được đốt với mức độ khí thải thấp. Phần quan trọng hơn, chúng tôi đưa nguyên liệu rác đã được phân loại vào sản xuất nguyên liệu dùng cho phân bón hữu cơ. Điểm cốt yếu của dây chuyền xử lý rác thải này là từ công nghệ ủ lên men hiếu khí tốc độ cao nói trên”, ông Giang giải thích về công nghệ.

Với công nghệ này, Nhà máy Xử lý rác thải Tây Ninh đang xử lý 150 tấn rác thải/ngày. Cứ với 100 tấn rác thải, Nhà máy sản xuất được 10 - 15 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, được đánh giá có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân.

“Tuy nhiên, do quá trình đầu tư chưa được đầy đủ, nên sản lượng phân bón còn thấp. Thời gian tới, khi dây chuyền được đầu tư đồng bộ, cứ 100 tấn rác thải, Nhà máy sẽ thu về 15 - 20 tấn nguyên liệu hữu cơ vi sinh”, ông Giang cho biết thêm.

Điều khiến Giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng tự hào là ngay khi Nhà máy Xử lý rác thải Tây Ninh hoạt động, người dân xung quanh vẫn sinh sống bình thường vì hầu như không có mùi và khí độc.

Từ thành công ban đầu của Nhà máy Xử lý rác thải Tây Ninh, Hải Đăng đã góp vốn cùng các đối tác khác để thành lập Công ty cổ phần Greenity. Việc thành lập pháp nhân mới với sự tham gia của nhiều cổ đông từ các địa phương khác được ông Giang kỳ vọng sẽ giúp việc xử lý rác thải trong tương lai tại các địa phương bằng các công nghệ khác nhau được hiệu quả hơn.

Hiện tại, tỉnh Hậu Giang đã tin tưởng giao ông Giang cùng các cộng sự xây dựng một nhà máy xử lý rác thải với vốn đầu tư 250 - 300 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Greenity đang khảo sát một loạt công nghệ xử lý rác tiên tiến của thế giới để đưa về áp dụng tại Việt Nam trong những nhà máy tiếp theo mà doanh nghiệp được chọn là chủ đầu tư.

“Xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn còn quá nhiều bất cập, đơn cử như đơn giá xử lý rác thải khác nhau giữa các địa phương khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, với mong muốn góp công sức giải quyết vấn đề môi trường trong thời gian tới, tôi và các cộng sự sẽ dốc lòng xây các nhà máy xử lý rác thải tại nhiều địa phương. Dứt khoát không để các bãi rác khổng lồ với phương pháp xử lý thô sơ ám ảnh thế hệ mình và thế hệ con cháu", ông Giang bộc bạch.

Tin liên quan
Tin khác