Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Đức Thanh |
Bảo vệ người lao động
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến nguy hiểm, cùng với việc giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng tạo nên khủng hoảng kép cho ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động, tích cực triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp.
Mục tiêu được PVN đặt ra hiện nay là phải bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch và giá dầu giảm.
Trên thực tế, trước tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu của các thành viên PVN đang gặp khó khăn, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng như Quốc hội đã phê duyệt, thì doanh thu bán dầu thô cả năm là 4,668 tỷ USD, nhưng khi giá dầu xuống 30 USD/thùng, doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước cũng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD, còn 806 triệu USD (PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách nhà nước). Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN, mà tới cả các địa phương liên quan. Đại diện PVN cũng cho hay, kết quả hoạt động tháng 3/2020 của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã bị phương hại và dự báo tiếp tục khó khăn lớn trong quý II và cả năm 2020, đặc biệt khi giá dầu sụt giảm từ 60 - 70 USD/thùng vào đầu năm, xuống còn trên dưới 20 USD/thùng trong những ngày qua và dự báo còn kéo dài ở mức thấp.
Trước tình hình giá dầu lao dốc mạnh, nhiều tập đoàn, công ty dầu khí lớn trên thế giới đã cắt giảm việc làm, giảm nhân công, song lãnh đạo PVN luôn xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ người lao động.
“PVN đã và đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn sức khỏe, môi trường, duy trì việc làm. Người lao động ngành dầu khí nói chung và trước hết là Công ty mẹ - PVN phát huy cao nhất tinh thần vượt khó, vươn lên, chung sức, chung lòng, góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của Tập đoàn”, đại diện PVN cho hay.
Giải pháp thiết thực
Theo tính toán, mức giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng sẽ đủ chi 18 tháng lương năm 2020, nhưng do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu, nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh bị tác động mạnh. Vì vậy, người lao động PVN đang chia sẻ khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, kể cả việc cắt, giảm lương, thu nhập.
Cũng để đảm bảo mục tiêu duy trì việc làm trong giai đoạn này, việc phát huy tinh thần làm việc, nâng cao năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tránh lãng phí... đã được lãnh đạo PVN đặt ra với toàn ngành.
Yêu cầu tiết giảm chi phí phát sinh, tương ứng với giảm doanh thu ít nhất 15 - 30%; rà soát, cắt giảm chi phí có trong kế hoạch, nhưng chưa thực sự cần thiết; không đề xuất các khoản chi phí phát sinh nếu không thực sự cấp thiết.
Tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), giải pháp đầu tiên được triển khai quyết liệt là tối ưu chi phí vận hành - khai thác tại các dự án. Liên tục rà soát, chỉ triển khai các hạng mục thực sự cần thiết/có hiệu quả về mặt kỹ thuật, tạm thời dừng/giãn tiến độ các hạng mục chưa thực sự cấp bách.
Còn tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), các công việc được triển khai rất cụ thể như tiếp tục đẩy mạnh áp dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc chuyên môn; hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung; kết hợp xử lý nhiều việc trong một đợt công tác. Ngoài ra, PV Gas cũng tiết kiệm tối đa chi phí công tác nước ngoài, hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm, nếu không thực sự cần thiết; không kết hợp khảo sát học tập với giải quyết chính sách và tham quan du lịch.
Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn Tập đoàn đã đóng góp hàng chục tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch; nhiều sản phẩm thiết thực mang thương hiệu Dầu khí đã kịp thời được sản xuất, cung cấp đến đông đảo nhân dân cả nước như khẩu trang, nước khử khuẩn.