Đầu tư
Đấu thầu Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Ai là người thắng cuộc?
Anh Minh - 24/04/2018 07:41
Việc tuyển chọn nhà đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư 5.370 tỷ đồng sẽ kéo dài khoảng 1 năm.

Sức hút lớn

Theo ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, chỉ trong vòng 4 ngày đầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (16/4), đã có 5 nhà đầu tư đến mua.

.

Với giá bán lên tới 10 triệu đồng/bộ hồ sơ, ông Dương cho rằng, các nhà đầu tư chắc chắc không bỏ một khoản tiền như vậy chỉ để… đọc cho biết. 

Do thời hạn bán hồ sơ mời sơ tuyển còn kéo dài đến 9h ngày 16/5/2018, nên số lượng hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư được bán tại Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được kỳ vọng sẽ vượt qua con số 20 mà Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thiết lập hồi cuối năm 2013. 

Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ tổ chức Hội nghị tiền đấu thầu vào sáng ngày 8/5/2018 để giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư. Mặc dù số lượng hồ sơ mời sơ tuyển được bán không trùng khớp với số lượng các nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển, nhưng tại Dự án PPP Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, công trình đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đã có 7 nhà đầu tư nộp hồ sơ.

Trước đây, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã từng nhận được đề xuất từ khá nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hạ tầng. 

Ngoài các tập đoàn tư nhân lớn trong nước như Công ty cổ phần Sân golf Long Thành, CIENCO1, CII, một loạt nhà đầu tư lớn nước ngoài như Moonary Group, Metro Pacific Toolways Corp (Hoa Kỳ); Posco (Hàn Quốc); IL&FS (Ấn Độ)… cũng đã tìm hiểu khá sâu về dự án này.

Theo dự báo của đơn vị tư vấn lập dự án, lưu lượng trên tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ sau năm 2020 sẽ đạt trên 40.000 PCU/ngày đêm. Quốc lộ 1 hiện đã được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn. Như vậy, sau năm 2020, lưu lượng giao thông sẽ vượt quá khả năng thông hành của Quốc lộ 1. 

Mở rộng Quốc lộ 1 không khả thi do quy hoạch tuyến chỉ là 4 làn xe, đồng thời cần có thêm tuyến độc lập để khai thác với tốc độ cao, nên việc xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, Dự án sau khi được điều chỉnh quy mô đầu tư chỉ đặt mục tiêu xây dựng 23,5 km cao tốc 4 làn xe, rộng 17 m và hệ thống đường gom 2 bên khoảng 23,3 km với tổng mức đầu tư Dự án là 5.370 tỷ đồng. Quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư công trình ở mức vừa sức với nhiều nhà đầu tư cũng như các tổ chức tín dụng tài trợ vốn đã dồn khá nhiều tài chính cho các dự án BOT giai đoạn 2012 - 2016.

Đầu tư đồng bộ

Liên quan đến phương án tài chính - một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp nhà đầu tư có quyết định xuống tiền hay không, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tỷ suất hoàn vốn cao hơn mặt bằng chung các dự án BOT hạ tầng giao thông. Theo đó, cùng với việc thu giá dịch vụ hoàn vốn trên chính tuyến, nhà đầu tư sẽ được Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong khoảng thời gian 4 năm 2 tháng.

Được biết, sau khi có kết quả sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng trình tự quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ - CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Nếu thực hiện suôn sẻ, Bộ GTVT sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng dự án vào đầu năm 2019 (thời gian đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư cần khoảng 1 năm) và triển khai giải phóng mặt bằng, thi công cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2021.

“Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cam kết quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ diễn ra cạnh tranh, minh bạch”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết sẽ cố gắng hoàn thành đồng bộ các phân đoạn cao tốc từ TP.HCM tới Cần Thơ, chậm nhất là vào cuối năm 2021.

Được biết, đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được Bộ GTVT triển khai thành 3 dự án độc lập (Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2) để thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn và triển khai thực hiện.

Sau khi Quốc hội cho phép đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang trong giai đoạn triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ GTVT đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu sớm hoàn thành để kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, phát huy cao hiệu quả đầu tư.

Đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sau khi được Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định lãi suất vay vốn, các ngân hàng sẽ sớm chấp thuận ký hợp đồng tài trợ vốn đầu tư dự án trong tháng 5/2018.

“Kế hoạch hoàn thành năm 2019 như chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 172/TB - VPCP là có thể thực hiện được nhưng làm tăng kinh phí rất lớn do phải sử dụng giải pháp kết cấu công trình thay cho những đoạn tuyến đi qua vùng đất yếu, có thời gian xử lý cố kết nền đất kéo dài. Do vậy, Bộ GTVT đã báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để điều chỉnh kế hoạch hoàn thành Dự án trong năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.n

Quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ diễn ra cạnh tranh, minh bạch.

Tin liên quan
Tin khác