Đấu thầu qua mạng sau hơn 2 năm triển khai chính thức đã thu hút hàng chục nghìn đơn vị mời thầu và nhà thầu tham gia.
Theo thống kê từ Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, tổng số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2017 đạt 8.200 gói, tăng hơn gấp đôi so với năm đầu tiên 2016. Tổng giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng là 9.000 tỷ đồng.
Tính đến nay đã có tới 23.000 bên mời thầu và 72.000 nhà thầu đăng ký trên Hệ thống, đến từ các tỉnh thành lớn nhỏ trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum.
Nhờ ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và vận hành, đang trở thành “sàn thương mại công” nhộn nhịp và không ngừng tăng trưởng.
Hệ thống này là nền tảng cốt lõi, nơi diễn ra toàn bộ quy trình từ đăng tải thông báo mời thầu, nộp và nhận hồ sơ dự thầu, đến thông báo trúng thầu. Mọi thông tin liên quan đến số lượng, danh tính các nhà thầu tham gia một gói thầu điện tử đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm đóng thầu.
Tuy là một hình thái khá mới, nhưng đấu thầu qua mạng sớm nhận được sự quan tâm và đón nhận từ phía chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu.
Tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi, không còn phải vất vả trực tiếp đi mua hồ sơ mời thầu, hay đến tận nơi nộp hồ sơ dự thầu tại địa điểm của bên mời thầu, đấu thầu qua mạng đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu tiếp cận và hiện thực hóa nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn trong thị trường mua sắm chính phủ một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Đấu thầu qua mạng mở ra cơ hội kinh doanh không giới hạn với các gói thầu sử dụng ngân sách công |
Nếu năm 2016 và 2017 có thể xem là bước chạy đà để làm quen với thị trường thì năm 2018 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ của hình thức đầy tiềm năng này.
Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đã lên tới 6.100 gói, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái là 3.300 gói. Trong đó, các gói thầu mua sắm hàng hóa chiếm số lượng nhiều nhất với gần 3.000 gói.
Với đà tăng trưởng này, dự đoán số lượng gói thầu qua mạng trong cuối năm 2018 sẽ còn tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với năm 2017.
Con số trên hoàn toàn khả thi khi Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ 01/03/2018 với nhiều điểm đột phá. Trong đó mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng, bao gồm cả các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao, áp dụng hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, và tối ưu hóa quy trình lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Qua Thông tư 04, hầu hết các thủ tục hành chính và văn bản giấy đã được cắt giảm tối đa với 07 mẫu hồ sơ mời thầu dạng webform. Theo các chuyên gia, Thông tư 04 được đánh giá là đã khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trước đây như không có mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng cho lĩnh vực xây lắp, tư vấn, phi tư vấn; nhà thầu chỉ được nộp hồ sơ dự thầu một lần duy nhất.
Từ nay nhà thầu có thể “săn” thông tin đấu thầu một cách nhanh chóng và đơn giản thông qua Hệ thống do các nội dung trong hồ sơ mời thầu qua mạng được tách bạch thành từng chỉ mục rõ ràng. Nhà thầu có thể dễ dàng xem và tải miễn phí Hồ sơ mời thầu được đăng công khai ở trên Hệ thống, lập và nộp hồ sơ dự thầu qua Hệ thống.
Điểm đặc biệt của đấu thầu qua mạng là số lượng, thông tin nhà thầu nộp thầu chỉ có thể biết được sau khi mở thầu. Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, trước thời gian mở thầu, không bên nào, kể cả bên mời thầu và nhà quản trị Hệ thống có thể biết được thông tin này. Nhà thầu tham gia bắt buộc phải chuẩn bị hồ sơ dự thầu với các đề xuất chào thầu tốt nhất để đảm bảo khả năng trúng thầu.
Điểm đặc biệt đó của đấu thầu qua mạng giúp loại bỏ những hạn chế tồn đọng như thông thầu, quân xanh quân đỏ… Hệ thống cũng đăng tải các quy định pháp luật hiện hành và các tài liệu hướng dẫn chi tiết để nhà thầu tham khảo trước khi nộp hồ sơ qua mạng.
Hệ thống sau 6 năm thử nghiệm và 2 năm hoạt động chính thức đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giao dịch của các cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển luôn đi kèm với những yêu cầu cao hơn về tính năng vận hành và khả năng bảo mật. Nhất là khi có sự tham gia của nhiều bên, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia càng cần phải được đầu tư bài bản về công nghệ và nội dung để phát huy tối đa tiềm năng đối với công tác đầu tư, mua sắm công, góp phần phát triển kinh tế xã hội.