Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ 21, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ cùng ngành Y tế những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng như quy trình thanh toán bảo hiểm y tế trước đây và những vướng mắc trên đã được xem xét tháo gỡ và cụ thể hoá trong Luật đấu thầu sửa đổi 2023, có hiệu lực vào 1/1/2024.
Về cơ bản thì các khó khăn vướng mắc đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023. |
Theo ông Cương, trong giai đoạn vừa qua, thách thức rất lớn về lĩnh vực đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm nỗ lực tập trung tháo gỡ những vướng mắc và mở ra rất nhiều chính sách cho ngành Y tế trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, có hiệu lực từ ngày 01/1/2024.
Hơn hai năm xây dựng, ngày 23/6/2023, tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua toàn văn dự án Luật Đấu thầu sửa đổi với tỷ lệ tán thành và ủng hộ dự thảo luật này hơn 93% với 97 đại biểu tham dự bấm nút.
Do đó, các chính sách trong thời gian tới sẽ mở ra rất nhiều cơ hội, tháo gỡ cho ngành Y, nhưng cũng quy định rõ ràng trách nhiệm các đơn vị.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, về cơ bản thì các khó khăn vướng mắc đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 này. Sắp tới cùng với các thông tư hướng dẫn được ban hành, việc đấu thầu y tế sẽ được sẽ hiệu quả hơn.
Theo đó, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 với 10 chương, 96 điều quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: Đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt …thì lần này Luật còn mở rộng thêm 2 hình thức (Đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.
Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, tập trung vào 5 nhóm tiêu chí cơ bản đó là: Thứ nhất, các quy định nhằm xác định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong Luật đấu thầu trước đây.
Thứ hai, đơn giản hoá các quyết định thủ tục sát với tình hình hiện nay. Dù rằng, trước đây công tác đấu thầu đã tiếp cận được những tiêu chí quốc tế, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục cải cách, tiếp tục cắt giảm thời gian đấu thầu các cách giảm các khâu trung gian đẩy mạnh hình thức đấu thầu qua mạng, để tiến tới việc chuyển đổi số.
Thứ ba là nhóm chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm đổi mới sáng tạo và các kỹ thuật để thay thế hàng nhập khẩu, thuốc đạt chứng nhận WHO-GMP.
Thứ tư là nhóm chính sách đưa ra để nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong ngành Y tế trong đấu thầu của ngành Y tế mà thời gian qua đã gặp phải.
Thứ năm, nhằm nâng cao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu quản lý, phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong luật đấu thầu sửa đổi 2023 và Bộ Luật Hình Sự 2015.
Theo đó, quy định các trách nhiệm của từng bên khi tham gia đấu thầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư, nhà thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu. Những điều được làm và không được làm. Nghiêm cấm hành vi tạo điều kiện cho một đơn vị nào đó, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, giải trình, làm rõ tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã lý giải về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo người đứng đầu ngành Y, có nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan tới việc thiếu thuốc, thiết bị y tế dù ngành Y là một trong những ngành được ưu tiên nhất liên quan đến cơ chế, chính sách để giải quyết việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Chẳng hạn như các đơn vị khác khi triển khai thực hiện mua sắm vẫn phải đảm bảo 3 báo giá thì riêng ngành Y tế đã có những quy định tháo gỡ là chỉ cần có một báo giá trong trường hợp cần thiết vẫn đảm bảo được việc mua sắm.
Bên cạnh đó, vấn đề giá thấp nhất, đã có văn bản tháo gỡ là trong trường hợp cần thiết nếu vật tư y tế đó mà không phải là giá thấp nhất thì ngành y tế vẫn có thể được mua nếu được Hội đồng khoa học đảm nhận và làm rõ được các nội dung. Luật Đấu thầu hiện nay cũng đưa được ra nhiều các nội dung mua sắm đặc thù cho ngành Y tế.
Với những nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ kể cả về mặt nguồn cung thuốc và trang thiết bị vật tư y tế thì nguồn cung đã được tháo rồi, cơ chế, chính sách mua sắm đã được tháo rồi nhưng tại sao chúng ta vẫn còn thiếu?
Hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia, chỉ chiếm khoảng từ 16 đến 18% tổng số, còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình.
Trong tháng 8, tháng 10, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để Bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Qua công tác tổng hợp Bộ Y tế nhận thấy có mấy điểm nghẽn sau. Đầu tiên, do việc triển khai thực tế ở địa rất nhiều đơn vị phương giao cho những đơn vị đấu thầu. Các bác sĩ làm chuyên môn, chưa có chuyên môn sâu về đấu thầu nên trong quá trình làm còn lúng túng.
Tiếp theo, việc phân cấp phân quyền. Hiện Bộ Y tế đã phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc Bộ đảm nhiệm việc mua sắm.
Tuy nhiên, ở địa phương cũng có nơi các cơ sở y tế cũng chỉ đảm bảo mua dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt nên việc mua sắm rất lâu. Bộ mong thời gian tới các tỉnh rà soát lại quy định này làm sao đảm bảo được vừa quản lý được và trao quyền cho các đơn vị.
Với việc thiếu trang thiết bị y tế theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có quy định về hình thức vay mượn, ứng trước đối với trang thiết bị, vật tư y tế. Các đơn vị cũng đang triển khai hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để đảm bảo tính lâu dài.
Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, trong các quy định về mua sắm, đấu thầu không có hình thức vay mượn, vay trước, trả tiền sau hoặc vay rồi mới đấu thầu để trả lại. Khi chống dịch Covid-19, chúng ta đi vay kit test, khi hết dịch không thể trả bằng hình thức hiện vật.
Nhưng với nhu cầu cho công tác phòng, chống dịch, một loại dịch chưa từng có tiền lệ và rất cấp bách, vấn đề đảm bảo sinh mạng, sức khỏe của người dân là lên trên hết, trước hết, chính vì vậy trong thời gian vừa qua trong thực tiễn có vấn đề các cơ sở y tế có hình thức phải tạm ứng hoặc vay mượn để làm sao đảm bảo được nhu cầu chữa bệnh cũng như vấn đề xét nghiệm.
Đến thời điểm này, Nghị quyết 99 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng, cố gắng sớm nhất trước ngày 31/12/2024 sẽ giải quyết được vấn đề vay mượn ở các cơ sở y tế.
Đây cũng là một việc khó, Bộ Y tế đã phối hợp cùng với UBND các tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Y tế đã có 2 công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị các tỉnh báo cáo về thực trạng tình hình vay mượn của địa phương cũng như là của các cơ sở y tế như thế nào.
Đến nay, Bộ Y tế đã thống kê của 48 địa phương và 7 bộ, ngành cũng như của các cơ sở y tế thuộc Bộ; hiện nay số vay mượn theo số báo cáo chính thức là 1.693 tỷ, trong đó vay mượn về mặt thuốc men, sinh phẩm khoảng 754 tỷ, về kit test khoảng 939 tỷ.
Trên cơ sở này, phân loại ra các hình thức vay mượn là những loại gì, vay đã có hợp đồng đấu thầu hay đã được đàm phán giá hoặc chưa có một cái gì cả để từ đó xây dựng phương án xử lý cho triệt để.
"Hiện, Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị của Bộ xây dựng các phương án, báo cáo để có cơ chế xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế cũng như là giải quyết các vấn đề lâu dài", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.