Siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn với sức chở 18.300 TEU đã cập bến thành công tại Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Tuy nhiên, để vào được cảng, tàu đã phải giảm tải, đạt khoảng 40% - 50% sức chở của tàu. |
Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải đoạn từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép được đánh giá là quan trọng, cấp bách. Dự án có tổng mức đầu tư 1.161 tỷ đồng này sẽ nạo vét 29,68 km luồng tàu từ phao số 0 đến cảng CMIT đạt chiều rộng 350 m, cao độ đáy nạo vét – 15,5 m; nạo vét vũng quay tàu thuộc khu vực ngã 3 Gò Gia đạt đường kính 600 m, cao tốc đáy – 15,5 m.
Với độ sâu này, luồng Cái Mép – Thị Vải có thể giúp tàu container đến 160.000 DWT, sức chở 14.000 TEU, mớn nước 15,5 m hành hải thuận lợi mà không phụ thuộc vào thủy triều và có thể đón các tàu trọng tải đến 200.000 DWT, sức chở tới 18.000 TEU, mớn nước 16,0 m lợi dụng thủy triều, góp phần đưa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sớm trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã kết hợp với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp tại Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Nhờ vậy, sản lượng thông qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã tăng đáng kể, cụ thể: Năm 2014, sản lượng đạt: 1,13 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu (không kể hàng trung chuyển); năm 2015, sản lượng đạt: 1,45 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu (không kể hàng trung chuyển), tăng 28% so với năm 2014; năm 2016, sản lượng đạt 2,03 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu (tăng 40% so với năm 2015); 1,30 triệu TEU trung chuyển nội địa (bằng tàu nhỏ từ các tỉnh phía Bắc đến Cái Mép - Thị Vải và ngược lại, bằng sà lan từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ đến Cái Mép - Thị Vải và ngược lại); 160.000 TEU trung chuyển quốc tế (bằng phương tiện thủy nội địa từ Cam pu chia và từ một số nước Đông Nam Á đến Cái Mép - Thị Vải).
Ngoài ra, một số bến cảng thuộc khu bến này còn kết hợp khai thác hàng tổng hợp với sản lượng hàng hóa thông qua năm 2016 là 9,7 triệu tấn; riêng hàng container năm 2017 thông qua các bến cảng Cái Mép - Thị Vải đạt 2,53 triệu TEU.
Đến nay, sản lượng hàng container đã đạt khoảng trên 50% công suất thiết kế (không kể 2 bến cảng đang khai thác kết hợp hàng tổng hợp). So với thời điểm năm 2013, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017 đã thông qua lượng hàng hóa gấp 2,76 lần về tấn trọng tải và 2,67 lần về số lượng container. Tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển bình quân trong 5 năm cũng đạt mức cao, khoảng 11,66% về tổng lượng hàng và riêng hàng container là 26,44%.
Theo Bộ GTVT, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trên đã tạo niềm tin, sự hấp dẫn cho các hãng tàu mở và tăng cường các tuyến tàu mẹ đi biển xa (châu Âu, hai bờ nước Mỹ) và tàu nội Á kết nối các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải: Năm 2013 có tổng cộng 08 chuyến/tuần, năm 2014 - 2015 có 10 chuyến/tuần, từ tháng 10/2015 đến nay đã tăng lên đến 22 chuyến/tuần; cỡ tàu cập cảng cũng gia tăng với các đội tàu có trọng tải lớn khoảng 165.000 DWT/14.000 TEU; đặc biệt vào ngày 20/02/2017, bến cảng CMIT tiếp nhận thành công chuyến thử nghiệm tàu kích thước cỡ 194.000 DWT/18.000 TEU, tạo tiền đề thu hút các tàu mẹ siêu lớn đến khai thác, góp phần thúc đẩy lượng hàng hóa thông qua khu vực tăng cao thời gian qua. Do vậy, trong ba năm liền, khu bến cảng Cái Mép được tạp chí nổi tiếng thế giới về hàng hải là Alpha Liner xếp tốp đầu trong những khu bến cảng container có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới (năm 2015 xếp hạng 4, năm 2016 xếp hạng 1 và năm 2017 được xếp hạng 6).
Bên cạnh đó, các bến cảng container tại Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện tiếp nhận các gam tàu 6.000 - 12.000 TEU và 14.000 TEU hoặc lớn hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện luồng hiện nay, với độ sâu thiết kế là -14,0 mCD (Hải đồ), các tàu lớn hơn 8.000 TEU vào cảng đều phải giảm tải nên giảm đáng kể sức hấp dẫn vận tải trung chuyển container. Theo số liệu thống kê, do phải giảm tải để vào luồng, số lượng container vận chuyển của các tàu lớn khi ghé các cảng tại Cái Mép - Thị Vải chỉ đạt khoảng 40% - 50% sức chở của tàu.
Theo số liệu thống kê năm 2017, các bến cảng tổng hợp, container khu vực Cái Mép - Thị Vải thông qua khoảng 48,96 triệu tấn đạt khoảng 54% tổng công suất thiết kế. Riêng hàng container năm 2017 thông qua các bến cảng Cái Mép Thị Vải đạt 2,53 triệu TEU, tuy có tăng khoảng 24,6% so với năm 2016 nhưng mới chỉ đạt khoảng trên 50% công suất của các bến cảng công ten nơ trong khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Như vậy, để có thể khai thác hiệu quả cụm bến cảng công ten nơ Cái Mép, việc thu hút hàng trung chuyển quốc tế tại khu vực là yếu tố then chốt, mang tính quyết định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, vị thế của cảng biển Việt Nam trong chuỗi vận tải biển khu vực và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực, luồng tàu vào khu bến cảng Cái Mép phải có cao độ đáy luồng -15,5 m (Hải đồ) khai thác với mực nước chạy tàu trên +2,0 m (Hải đồ) để tàu container đến 160.000 DWT, sức chở 14.000 TEU, mớn nước 15,5 m hành hải thuận lợi mà không phụ thuộc vào thủy triều và có thể đón các tàu trọng tải đến 200.000 DWT, sức chở tới 18.000 TEU, mớn nước 16,0 m lợi dụng thủy triều.
“Để tiếp tục thu hút hàng hóa, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trung chuyển container quốc tế tại khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, việc đầu tư nạo vét nâng cấp tuyến luồng, đoạn luồng từ phao số “0” vào đến bến cảng CMIT là hết sức quan trọng và cấp thiết, cần được triển khai đầu tư ngay”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định.