Một đoan QL19 qua đèo An Khê |
Dự án có mục tiêu hoàn thành nâng cấp 126 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới 27km – 35km tuyến tránh Quốc lộ 19 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, trong đó địa phận tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp đoạn Km51+152 - Km67; địa phận tỉnh Gia Lai sẽ nâng cấp các đoạn Km67 – Km90; Km131+300 – Km167, Km180 - Km243. Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng tuyến tránh thị xã An Khê dài 13,7 km; Xây dựng tuyến tránh thành phố Pleiku dài 13 - 21 km.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: 153,8 triệu USD tương đương 3.490 tỷ đồng, trong đó vay vốn IDA của WB là 150 triệu USD, tương đương 3.404 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ: 86 tỷ đồng, tương đương 3,8 triệu USD..
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, thời gian chuẩn bị dự án trong khoảng từ tháng 6/2016 – 2/2019; thời gian thực hiện dự án: 2/2019 – 6/2022.
Nếu được thông qua, Dự án sẽ góp phần kết nối hệ thống đường bộ với các nước láng giềng; Tăng cường kết nối giao thông và logistic dọc theo hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung; Xây dựng hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế.
Được biết, năm 2012, bằng nguồn vốn chuẩn bị dự án mới của Hiệp định vay dự án an toàn giao thông giai đoạn 1 sử dụng vốn vay WB, tư vấn WB đã đề xuất Quốc lộ (QL) 19 đưa vào Dự án An toàn giao thông giai đoạn 2 do đây là tuyến vận tải chính từ Tây Nguyên đi về QL1 và ra các cảng biển Quốc tế.
Theo kết quả nghiên cứu của Tư vấn WB trong Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế (IRAP) về tình trạng an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, QL19 chỉ đạt chỉ số an toàn từ 1 – 2 sao (mức độ nguy hiểm và rất nguy hiểm khi tham gia giao thông) do các nguyên nhân như không đảm bảo chiều rộng làn đường cho xe thô sơ trong khi mật độ xe thô sơ cao, người dân trong vùng là dân tộc thiểu số và các hộ nghèo chưa nhận thức được ý thức tham gia giao thông, ...
Tư vấn WB đã kiến nghị cần có các biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn giao thông nâng cấp mức độ an toàn lên tối thiểu 3 sao (mức chấp nhận được). Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2012 do WB chưa cam kết tiếp tục cho Việt Nam vay IDA17 và thời hạn hiệp định vay cũng còn rất ngắn, nên dự án này chưa được đưa vào danh mục đề xuất vay vốn WB.
Tại Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung do Bộ KH&ĐT phối hợp với WB tổ chức ngày 3/6/2014 tại Hội An, dự án đã được nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và được WB ủng hộ.
Bên cạnh đó, Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục kêu gọi ODA tại văn bản số 9313/VPCP-QHQT ngày 20/11/2014 về danh mục dự án kêu gọi ODA của Việt Nam trong Tam giác phát triển trình ra Hội nghị cấp cao CLV-8 tại Lào.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, WB đã cử Đoàn công tác tiền xác định dự án từ ngày 17-26/02/2016 và Đoàn xác định dự án từ 30/5/2016-03/6/2016 sang Việt Nam làm việc với Bộ GTVT, các địa phương (Bình Định và Gia Lai) và đi hiện trường để tìm hiểu và xác định sự cần thiết, nội dung và quy mô dự án. Theo đó, WB đánh giá việc đầu tư dự án là cần thiết và sẵn sàng tài trợ cho dự án.