Đầu tư
Đầu tư 370 tỷ đồng phát triển khu du lịch lớn nhất tỉnh Hậu Giang
Trúc Giang - 07/06/2021 10:26
Đây là khu du lịch trọng tâm lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Theo đó, không gian nghiên cứu quy hoạch nằm trên toàn bộ không gian của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (bao gồm cả không gian vùng đệm), với diện tích khoảng 8.836,07 ha (trong đó, tập trung nghiên cứu trên không gian vùng lõi với diện tích khoảng 2.800 ha) thuộc địa bàn của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Về tính chất, đây là khu du lịch trọng tâm lớn nhất của tỉnh Hậu Giang gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên vùng đất ngập nước, dã ngoại vào cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè. Định hướng phát triển là khu du lịch quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030.

Theo Đề án, định hướng các tuyến du lịch nội khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gồm:

Tuyến 1: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái đất ngập nước - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn - Mô hình canh tác nông nghiệp.

Tuyến 2: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm nuôi động vật bán hoang dã - Điểm giáo dục môi trường - Điểm du lịch sinh thái Lung Sen - Lung Lớn.

Tuyến 3: Trung tâm Điều hành đón tiếp - Hệ sinh thái rừng tràm - Điểm câu cá - Khu vui chơi giải trí - Khu lâm viên - Mô hình canh tác nông nghiệp.

Tuyến 4: Khu nghỉ dưỡng sinh thái.

Nhằm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Hậu Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng phục vụ nghỉ ngơi, ăn uống, điểm dừng chân, đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí trong Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.

Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, như: dịch vụ đưa đón khách tham quan, du lịch sinh thái cộng đồng phục vụ phát triển du lịch.

Tổng mức đầu tư thực hiện Đề án khoảng 370 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn I khoảng 353 tỷ đồng; giai đoạn II khoảng 17 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và nguồn thu từ việc cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch sinh thái.

Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1: 2021 - 2025; giai đoạn 2: 2026 - 2030. Trong đó, giai đoạn 1: Tiến hành triển khai các nội dung theo Đề án được phê duyệt. Triển khai thực hiện các dự án ưu tiên: Trung tâm điều hành đón tiếp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu lâm viên, hệ thống chòi nghỉ, trạm quan sát, điểm câu cá. Giai đoạn 2: Tiếp tục triển khai các nội dung còn lại của Đề án.

Tin liên quan
Tin khác