Bản đồ hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT,
Dự án có điểm đầu kết nối đường Quốc lộ 91 (tuyến N1) thuộc xã Vĩnh Tế, Tp Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu (cảng Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng.
Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc Dự án là 188,2 km (trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh An Giang dài 56,74 km, thành phố Cần Thơ dài 37,77km; tỉnh Hậu Giang dài 37,02km và tỉnh Sóc Trăng dài 56,67km).
Trong tờ trình gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 7/2021, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị triển khai phương án tuyến Dự án theo hướng đi thẳng cách xa khu dân cư, nhằm tạo thêm không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi thị sát thực địa tuyến ngày 9/5/2021.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị phân chia tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Châu Đốc – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) chiều dài tuyến 63,4km, Dự án thành phần 2 (Lộ Tẻ Rạch Sỏi – Quốc lộ 61C) có chiều dài tuyến 41,55km; Dự án thành phần 3 (QL61C – cảng Trần Đề) có chiều dài tuyến 83,20km.
Theo quy hoạch, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 32,25m. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đơn vị chuẩn bị đầu tư kiến nghị phân kỳ đầu tư Dự án theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, Dự án thành phần 1 sẽ xây dựng 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,75m; Dự án thành phần 2 và 3 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng nền đường 17m.
Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 (bao gồm lãi vay) là 47.435 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí và hỗ trợ của Nhà nước bằng tiền 50%.
Nếu công tác chuẩn bị đầu tư suôn sẻ, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ khởi công vào năm 2022, hoàn thành vào năm 2025.
Việc triển khai đầu tư xây dựng Dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện an toàn giao thông trong khu vực Dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.
Công trình còn tạo không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, thúc đẩy sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng cách giữa các tuyến 15km - 25km – 35km.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối các khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, các trung tâm thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, các cửa khẩu quốc tế dọc tuyến biên giới giáp Campuchia.
Đây cũng là tuyến cao tốc trục ngang kết nối các tuyến trục dọc như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía đông (cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau), cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đường N2 – Mỹ An – Cao Lãnh Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).
Đồng thời, Dự án còn góp phần cải thiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực tây Nam Bộ, do vậy việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là hết sức cần thiết.