Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ giúp hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực |
Dự án có tổng mức đầu tư 5.378 tỷ đồng, tương đương 237 triệu USD (vay ADB khoảng 212 triệu USD) này sẽ xây dựng mới 16 km và nâng cấp 134 km Tỉnh lộ 136 thuộc tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; xây dựng tuyến nối Nghĩa lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai trên cơ sở nâng cấp Tỉnh lộ 175 dài 52,2 km đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
Bộ GTVT đề xuất sẽ vay ADB khoảng 212 triệu USD tương đương khoảng 4.810 tỷ đồng để thanh toán cho xây lắp, dịch vụ Tư vấn Thiết kế, giám sát; Tư vấn giám sát tác động môi trường, Kiểm toán và các chi phí khác. Phần vốn đối ứng trị giá 25 triệu USD tương đương 567 tỷ đồng từ NSNN sử dụng cho công tác GPMB, chi phí quản lý dự án và các chi phí khác theo quy định hiện hành.
Dự án khi hoàn thành sẽ đảm bảo tính kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai,Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua đó góp phần giamt chi phí vận tải hàng hóa và hành khách và tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế.
Hiện Bộ GTVT đề xuất 2 phương án triển khai là Bộ này sẽ là cơ quan chủ quản, chủ dự án cho toàn bộ Dự án hoặc Bộ sẽ làm chủ dự án tuyến nối Lai Châu và cao tốc Nội Bài – Lào Cai, UBND tỉnh Yên Bái sẽ là chủ đầu tư tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
cao tốc Hà Nội - Lào Cai sau khi đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian đi lại đáng kể, chỉ mất khoảng 3,5h để đi từ Hà Nội đến Lào Cai (giảm một nửa thời gian đi lại so với đi theo đường cũ).
Theo đánh giá hiện trạng các tuyến đường trong khu vực miền núi phía Bắc của Bộ GTVT, ngoài đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô - tiêu chuẩn của đường cấp cao, còn lại các tuyến đường khác cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ). Thông thường các tuyến đường chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V-IV miền núi, tại các vị trí địa hình khó khăn chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi. Vì vậy, việc kết nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn làm giảm khả năng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ... của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các tỉnh miền núi phía Bắc có những tiềm năng rất lớn về du lịch, văn hóa và khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông đi lại còn khó khăn.
Từ các lý do trên việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai là rất cần thiết, giúp hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường thông thương về kinh tế, giao lưu văn hóa xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi đó sẽ phát huy được hiệu quả tối đa của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, công nghiệp các địa phương mà có mạng lưới giao thông phía Bắc đi qua.