Tại hội thảo quốc tế về Quy hoạch cảng biển Đà Nẵng vừa diễn ra, Liên danh Sakae Corporate Advisory và Surbana Jungrong tiếp tục đưa ra tư vấn cho Đà Nẵng không nên đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, mà chỉ nên tập trung mở rộng cảng Tiên Sa.
Về nâng cấp cảng Tiên Sa, theo tư vấn, đi cùng đó là xây dựng cầu cạn, làm tuyến hai tầng nối từ cảng Tiên Sa xuyên qua nội thị hiện hữu để đưa hàng hóa ra bên ngoài.
Về phía cảng Liên Chiểu, nhà tư vấn Surbana Jurong lo ngại nếu xây dựng cảng Liên phải có 2 đường nước sâu 20 m cắt ngang vịnh Đà Nẵng, nhiều tàu thyền đi vào sẽ ảnh hưởng đến môi trường, vịnh Đà Nẵng sẽ không còn như xưa. Với cảng Tiên Sa có bán đảo Sơn Trà che chắn, khu vực mặt nước ổn định, nên mở rộng cảng Tiên Sa. Làm đường sắt, đường riêng cho xe container (có thu phí). Duy trì cảng nước sâu và nạo vét sâu, mở rộng cảng…
Đại diện thành phố Yokohama đóng góp ý kiến cho đơn vị tư vấn. |
Phản biện lại các luận điểm này, đại diện JICA cho rằng, cảng Liên Chiểu không sâu 20 m, không như ý bên tư vấn nói, mà bên phải của sông Cu Đê. Về ý tưởng mở rộng cảng Tiên Sa, JICA cho rằng, đây là kế hoạch có những ý tốt, thành phố quản lý cảng tại một điểm, sẽ tốt cho tự nhiên, có thể sử dụng đường nước hiện nay… Tuy nhiên, cũng có những vấn đề quan ngại về giải phóng mặt bằng, có nhiều công trình xung quanh, hiện nay vùng Tiên Sa rất hẹp, đề xuất đường 5.800 m (15 làn xe bus, xe vận chuyển) nếu như vậy rất chật chội. Vì không chỉ vận hành xe bus, mà còn logictics…
“Cảng Tiên Sa đến năm 2020 đã là 10 triệu tấn, trong khi công suất tối đa 12 triệu tấn. Dự báo đến năm 2023 đã hết công suất, tư vấn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?".
Trong khi đó, đại diện thành phố Yokohama thì cho rằng, tư vấn đưa ra không đủ dữ liệu để so sánh mở rộng cảng Tiên Sa hiệu quả hay đầu tư cảng Liên Chiểu hiệu quả. “Nên xem xét nhu cầu tương lai của Đà Nẵng. Đối với Yokohama, xây dựng không chỉ trung tâm vận tải, mà còn về du lịch. Phải xem xét về nhu cầu vận tải nhiều hơn hay du lịch nhiều hơn. Xem xét lợi thế nào hơn để đưa ra quyết định cho tương lai của Đà Nẵng”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhất trí với ý kiến các chuyên gia là thông tin mà tư vấn đưa ra còn quá sơ sài. Theo ông Hoàng, lẽ ra tư vấn phải đưa ra các phương án đánh giá tốt nhất, trung bình và xấu thì mới có cơ sở để xem xét, lựa chọn.
“Để báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải thì chúng tôi cần tư vấn phải có thông tin đầy đủ, chính xác. Tuy nhiên, thông tin của tư vấn đưa ra quá ít, nhất là về tài chính, đánh giá hiệu quả so sánh lợi thế chưa đủ”, ông Hoàng nhận xét.
Đại diện Công ty Royal Haskoning DHV (Hà Lan), ông Bas Van Dijk, cho rằng: “Đà Nẵng đang quy hoạch tổng thể vừa cảng biển, vừa sân bay, vừa đường bộ. Tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn có thể chúc mừng mình vì đang theo một cách tiếp cận tổng hợp và sẽ là một trong những hình mẫu của Việt Nam về định hướng phát triển”.
Tuy nhiên, nếu không xem xét kỹ thì Đà Nẵng có thể bị mất cơ hội. Nếu Đà Nẵng có một cảng mới cho phát triển linh hoạt về công nghiệp, du lịch, logistic và đảm bảo môi trường, ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 thì đó là món quà cho các thế hệ cư dân tương lai của TP, không phải chỉ con của họ mà còn là cháu của họ và nhiều đời tiếp sau nữa”.
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng cho rằng, cảng Tiên Sa đã hoàn thành sứ mệnh và nên khởi công ngay cảng Liên Chiểu để đến năm 2025 đưa vào sử dụng khai thác logistics...
Trao đổi trở lại sau ý kiến của các chuyên gia, đại diện Liên danh Sakae Corporate Advisory và Surbana Jungrong cho rằng: “Chúng tôi đưa ra đề xuất các ý tưởng quy hoạch tổng thể chứ chưa phải là ý tưởng cụ thể, và chúng tôi không có quyền đưa ra đề nghị Đà Nẵng phải lựa chọn cái nào”.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng: “Chúng tôi đặt hàng cho đơn vị tư vấn là để tư vấn nghiên cứu, tham mưu cho Thành phố lựa chọn phương án nào tối ưu nhất, hiệu quả nhất, chứ không phải chỉ để tư vấn đưa ra các ý tưởng, còn tính khả thi như thế nào, nên lựa chọn ra sao thì tư vấn lại đẩy hết cho thành phố”.
“Cảng Đà Nẵng đã được xác định là cảng cửa ngõ mang tính chất quốc tế và đáp ứng cho cả khu vực, vì vậy, đơn vị tư vấn phải xác định cho rõ tầm quan trọng của cảng Đà Nẵng đề tính toán phương án cho chính xác. Tư vấn cần khẩn trương đánh giá một cách toàn diện đề xuất của mình để Đà Nẵng quyết định đưa vào quy hoạch chung cho phù hợp, xác đáng, tạo động lực phát triển kinh tế mới cho địa phương”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.