Tài chính - Chứng khoán
Đầu tư chứng khoán: Gieo những hạt giống tốt
Trung Thành - 10/12/2019 10:21
Giới phân tích đầu tư đang tỏ ra khá khó khăn khi tìm kiếm những gương mặt tiềm năng để bổ sung hoặc làm mới danh mục cho năm 2020. Tuy nhiên, cơ hội vẫn dành cho những người chịu khó "đãi cát tìm vàng".

Khó tìm gương mặt sáng

Một cuộc trà dư tửu hậu của giới phân tích tài chính chuyên nghiệp gần đây xoay quanh chủ đề những cổ phiếu tiềm năng cho năm 2020.

Năm 2019, cổ phiếu FPT đạt ngôi quán quân trong số các bluechip đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, với tỷ suất sinh lời trên vốn đạt hơn 50%, tiếp theo là các mã như VCB, MWG...

Ðề cập đến triển vọng của các cổ phiếu trong năm 2020, chuyên viên đến từ Dragon Capital cho rằng, FPT còn dư địa bởi những câu chuyện mà tập đoàn này đưa ra thị trường có vẻ hợp xu hướng thế giới và gần đây, FPT liên tục có câu chuyện mới để kể với nhà đầu tư.

MWG thì cơ hội là 50-50. Còn giá VCB với các mức đỉnh mới được thiết lập năm 2019 đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng của Ngân hàng trong năm 2020.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB hay VPB lại chưa thực sự giành được thiện cảm của nhà đầu tư.

TCB được nhận xét đang phụ thuộc vào những khách hàng “mỏ neo” như Vingroup, Masan... VPBank theo nhận xét của chuyên viên đến từ Quỹ PXP, nợ xấu trong báo cáo tài chính tăng cao khiến họ e ngại.

VCS được nhắc tới như một mã chứng khoán có thể xem xét với những con sóng rất mạnh trong năm.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của Phú Tài được mọi người đưa ra với triển vọng ngành gỗ khả quan, nhưng lại nhận được ý kiến cho rằng chỉ phù hợp với các quỹ đầu tư dài hạn và sở hữu số lượng lớn.

“Không dễ để kiếm được địa chỉ đầu tư hấp dẫn cho năm 2020”. Ðó là nhận định được chia sẻ tại cuộc trao đổi trên.

Ðây cũng là nhận xét của lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn khi đề cập về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài vài cái tên cổ phiếu trong rổ VN30, các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới, không hẳn là doanh nghiệp không đạt các tiêu chí mà quỹ đề ra nhưng tựu trung lại, họ đều e ngại về chiến lược tăng trưởng, tính minh bạch, quản trị công ty trong bối cảnh môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều biến động.

Chưa thấy những cú huých lớn

Dưới góc nhìn của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng nhưng thiếu động lực bứt phá.

Tại Hội nghị các nhà đầu tư của VinaCapital tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề cập đến một số chính sách để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam gia nhập các thị trường mới nổi trong 2 - 3 năm nữa, chẳng hạn sửa Luật Chứng khoán, thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sáp nhập hai Sở Giao dịch chứng khoán..., mà không nhắc đến các chính sách như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài hay tăng cường các giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường.

Trong khi đó, giới hạn tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài vẫn là một nỗi niềm, bức xúc của các nhà đầu tư quốc tế. 

Biến động tỷ giá thực của đồng tiền Việt Nam

Trong 10 năm qua, vốn hóa thị trường đã tăng 6 lần, từ 33,8 tỷ USD lên 295,6 tỷ USD, song Nguyễn Thu, Trưởng bộ phận Quản lý tài sản của VinaCapital cho biết, hiện trên thị trường có 48 công ty niêm yết, trong đó có nhiều công ty hấp dẫn hàng đầu thị trường đã kín room.

Hai quỹ mở mà VinaCapital đang quản lý thì quỹ đầu tiên chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu đã kín room, quỹ thứ hai nhắm vào nhóm midcap có giá trị hợp lý thì khá giới hạn về quy mô.

Nói về độ khó khăn trong tìm kiếm địa chỉ mới đầu tư, Giám đốc Quỹ VOF Andy Ho cho biết, trong thời gian tới, danh mục của VOF chuyển hướng sang các khoản đầu tư tư nhân với giá trị có thể lên tới 1/4 quy mô quỹ, chẳng hạn gần đây họ bỏ ra 17 triệu USD đầu tư vào Công ty cổ phần Công nghiệp dịch vụ thương mại Ngọc Nghĩa.

Gần đây, VOF bán ra các khoản đầu tư của họ chủ yếu là các cổ phiếu trên sàn như VJC của Vietjet nhằm hiện thực hóa lợi nhuận và lấy tiền đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết. Họ cũng thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Các quỹ đầu tư nước ngoài trong nhiều hội nghị đầu tư tại Việt Nam đều chia sẻ họ đang quan tâm tới các ngành năng lượng sạch như năng lượng mặt trời hoặc LNG.

Cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 có nhiều yếu tố bất định, song ông David Carbon, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng DBS tại Singapore vẫn có niềm tin mạnh mẽ châu Á sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao, trong đó có Việt Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại.

Chuyên gia này lấy hình ảnh nền kinh tế Ðức nổi lên trong cơn suy thoái kinh tế tại châu Âu suốt 3 năm qua để lấy ví dụ về một triển vọng Việt Nam tại khu vực.

Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của Vina Capital lại cho rằng, ba yếu tố giúp thị trường vốn Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài gồm ổn định về kinh tế và chính trị; VND giữ giá trong vòng 2 năm tới; tốc độ tăng trưởng GDP.

Diễn biến tăng trưởng GDP của Việt Nam
Trong báo cáo về triển vọng thị trường Việt Nam gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia này phân tích, tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Tiêu dùng các hộ giao đình chiếm 2/3 nền kinh tế và tăng trưởng khoảng 8 - 9% trong những năm gần đây được hỗ trợ bởi mức tăng lương 6 - 7% và tốc độ đô thị hóa  tăng 2 - 3%.

Mặc dù tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam khá cao, hiện mới chỉ có 1/3 dân số Việt Nam sống ở các đô thị lớn, trong khi ở Trung Quốc lên tới một nửa.

Ðô thị hóa sẽ kéo tiêu dùng hộ gia đình tăng trong thời gian tới, bởi thu nhập ở khu vực này chắc chắn cao hơn nông thôn.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng mạnh tay chi tiêu hơn nhiều. Con số này được chứng minh qua các dữ liệu cho thấy, mặc dù khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ tăng 4% trong 9 tháng đầu năm nay (thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 30% cùng kỳ năm ngoái), dù vậy doanh số bán lẻ vẫn tăng 9,2%.

Số lượng khách du lịch vốn dĩ chiếm 10% doanh số bán lẻ của Việt Nam. Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam có niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng chi tiêu, đứng thứ 3 trên thế giới.

Tin liên quan
Tin khác