Đầu tư
Đầu tư công: Vừa ăn đong, vừa vung tay quá trán
Nguyễn Hưng - 19/11/2013 10:52
Bức xúc trước tình trạng nguồn vốn ngân sách bị lãng phí, kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư, các đại biểu yêu cầu phải có chế tài, quy trách nhiệm cho người ra quyết định sai. Chưa thấy xử lý cá nhân nào gây lãng phí

Buổi thảo luận tổ về dự án Luật Đầu tư công chiều 18/11 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động đầu tư. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, đầu tư công hiện chưa phát huy đúng hiệu quả, có những công trình, dự án tăng dự toán 20-30 lần, gây lãng phí rất lớn. Nữ đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể vượt dự toán bao nhiêu phần trăm. Theo đó, nếu vượt dự toán thì phải căn cứ vào những tiêu chí cụ thể như trượt giá.

“Nếu phát sinh vượt dự toán nhiều thì phải xin cấp thẩm quyền cho lập dự án mới chứ không có lý do gì khi thực hiện dự án rồi lại xin tăng đầu tư để khỏa lấp phần phát sinh đó”, bà Tuyết đề nghị. Cũng theo vị tiến sĩ kinh tế này, việc quản lý, sử dụng đầu tư công phải phân định trách nhiệm cụ thể.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: N.Hưng.

Tán thành với bà Tuyết, đại biểu Lê Việt Trường cho rằng cần có chế tài đi liền với trách nhiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước ở hoạt động đầu tư công. Bởi theo ông, người có thẩm quyền ra quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Song, nếu không có chế tài cụ thể thì rất khó.

Đại biểu Lê Việt Trường và đại biểu Nguyễn Hòa Bình góp ý cả trong cả khâu lập, thẩm định, phê duyệt lẫn khâu hậu kiểm dự án đều phải làm chặt chẽ. Nếu không thì khó tránh khỏi những công trình nước sạch hàng tỷ đồng làm xong không có nước hay trạm bơm xây xong không có mương dẫn từng được nói tới nhiều.

Đại biểu Võ Thị Dung nhận xét phạm vi luật này là quá hẹp khi chỉ điều chỉnh dòng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo bà, đối tượng cần phải mở rộng hơn, tức tất cả những nguồn vốn có nguồn gốc nhà nước, kể cả vốn vay, vốn hỗ trợ của nước ngoài… đều phải được điều chỉnh.

“Nguyên tắc đầu tư công nói gì thì nói, phải đảm bảo đúng hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm, công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí. Chứ như vừa qua đầu tư công là một trong những lĩnh vực tham nhũng rất nặng nề”, bà Dung nói.

Phê phán tình trạng không ai quản lý, giám sát được đầu tư công hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch bức xúc: “Tại sao chúng ta đầu tư lôm côm, lãng phí thế này? Rất đơn giản, bởi vì lâu nay các quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư. Tôi xin thưa rằng, Quốc hội quyết bội chi ngân sách mấy trăm nghìn tỷ đồng, có bao giờ chúng ta nhìn thấy dự án nào không”.

Cũng theo ông Lịch, luật phân cấp chủ trương phê duyệt chương trình dự án, đầu tư rõ ràng nhưng phải gắn với sự kiểm soát chặt chẽ của từng cấp. Đại biểu Quốc hội phải giám sát được các dự án, chương trình đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tương tự, các địa phương, HĐND phải chịu trách nhiệm với các dự án thuộc thẩm quyền của mình.

Tham gia thảo luận về dự án do Bộ mình chủ trì, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, bộ nào cũng sợ Luật Đầu tư công ra đời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, do đó trong Chính phủ ban đầu cũng không thống nhất. Mất tới 7 năm bàn bạc thảo luận, nhiều lần sửa đổi, dự thảo luật mới hoàn thiện để xin ý kiến Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (trái), đầu tư công hiện rất tùy tiện, ăn đong và vung tay quá trán

Vị tư lệnh ngành thừa nhận đầu tư công đang rất “tùy tiện”, “ăn đong”, “vung tay quá trán”. Đối với dự luật, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, tuy còn đơn giản nhưng luật hàm chứa nhiều điều đặc biệt. Một số điều khoản sẽ có tác dụng ngay, việc đầu tư sẽ trở nên minh bạch, hạn chế cơ chế xin cho, chạy chọt dự án, đầu tư dàn trải, lãng phí.

“Luật có hẳn một chương về chủ trương đầu tư để chế định quyền ở địa phương và trung ương, sẽ góp phần hạn chế lãng phí về đầu tư. Ai làm sai thì có chế tài trách nhiệm cụ thể”, ông Vinh cho hay và khẳng định, bộ luật này chắc chắn chưa phải là tuyệt vời nhưng khi ra đời sẽ khiến tình hình tốt lên.

“Luật là chế tài nên không ai dám làm liều như trước”, Bộ trưởng Vinh nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Chủ trương đầu tư dễ quá, một đồng chí mới lên Chủ tịch tỉnh muốn để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình nên phải làm cái đại lộ xuyên qua thành phố hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa, mấy nghìn tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng làm đường chỉ có mấy trăm tỷ. Hay như việc làm tượng đài cả nghìn tỷ giữa đồng không mông quạnh, lãng phí vô cùng. Chuyện nghe như cổ tích nhưng đang có thật, suốt ngày tôi phải chịu áp lực vì chuyện này.

Với cách quản lý đầu tư công lỏng lẻo và trong hoàn cảnh hạn chế về kinh tế, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn thời gian tới, nếu không được khắc phục sẽ đẩy đất nước xuống bờ vực thẳm".

Tin liên quan
Tin khác