Sức khỏe doanh nghiệp
Đầu tư dàn trải, Saigonres có dấu hiệu đội vốn
Duy Bắc - 16/04/2024 12:19
Với việc chậm triển khai dự án kéo dài, đồng thời tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch, Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã SGR) liên tục có dấu hiệu đội vốn đầu tư tại nhiều dự án.

Chậm giải ngân vốn trong nhiều năm dẫn tới đội vốn đầu tư dự án

Tiền thân của Saigonres là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1983. Sau này, doanh nghiệp được cổ phần hoá và chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân.

Tính tới lần cập nhật cơ cấu cổ đông gần nhất (ngày 31/12/2022), nhóm 4 cổ đông lớn của Công ty gồm Chủ tịch Phạm Thu, ông Phạm Đình Thành, ông Phạm Tuấn và Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) sở hữu tới 70,9% vốn điều lệ, trong khi nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% chỉ sở hữu tổng cộng 29,1% vốn điều lệ.

Với tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, Saigonres sở hữu nhiều dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án tại TP.HCM. Trong đó, tính trong năm 2023, Công ty triển khai cùng lúc 13 dự án, trải dài ở nhiều địa bàn, như TP.HCM, Vũng Tàu, Phú Quốc, Cần Thơ và Bình Thuận.

Mặc dù sở hữu quỹ đất lớn và nhiều dự án, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ đầu tư thực tế so với kế hoạch tương đối thấp. Trong đó, trung bình 4 năm qua (2020 - 2023), tỷ lệ giải ngân thực tế chỉ đạt 18,7% so với kế hoạch và bước sang năm 2024, một lần nữa, Saigonres lên kế hoạch tổng vốn đầu tư tăng 100% so với thực tế giải ngân trong năm 2023, tương ứng tăng thêm 482,5 tỷ đồng, lên 1.645 tỷ đồng.

Thực tế, với việc chậm giải ngân, các dự án mà Công ty triển khai có xu hướng đội vốn theo thời gian. Trong đó, tính từ năm 2020 đến năm 2023, Dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh - Hoà Bình tăng vốn đầu tư thêm 904,42 tỷ đồng, lên 1.300 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở Văn Lâm - Bình Thuận tăng vốn đầu tư thêm 41,5 tỷ đồng, lên 360 tỷ đồng; Dự án Khu căn hộ - thương mại Phú Định Riverside tăng vốn đầu tư thêm 10 tỷ đồng, lên 240 tỷ đồng… Nhiều dự án khác đội vốn đầu tư do chậm triển khai đầu tư, trong khi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng tăng lên.

Việc chậm triển khai nhiều dự án, đồng thời vốn đầu tư tăng lên, đang gây sức ép tài chính đáng kể đối với Saigonres trong năm 2024, khi nhu cầu đầu tư dự kiến lên tới 1.645 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2023, quỹ tiền mặt của Saigonres chỉ còn 54,8 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng tài sản.

Saigonres cho biết, trong năm 2024, Công ty tiếp tục làm việc với ngân hàng, tổ chức tín dụng để hoàn thiện cơ bản phương án phát hành trái phiếu và tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ công tác đầu tư. Đồng thời, Công ty sẽ triển khai kinh doanh các khu đất không thực hiện dự án và các sản phẩm còn lại của các dự án để thu hồi vốn phục vụ công tác đầu tư. Ngoài ra, Saigonres tích cực đôn đốc thu hồi công nợ từ các đối tác.

Về dự án, Saigonres cho biết sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đang đầu tư, như Dự án Khu nhà ở Văn Lâm - Bình Thuận; Dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh - Hoà Bình, Dự án Khu phức hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Cửa Cạn, Phú Quốc; Dự án Chung cư Phú Định Riverside; Dự án Khu dân cư xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; Dự án ngã ba đường Lê Sát và Tân Hương, quận Tân Phú; Dự án Trung tâm quận Cái Răng, TP. Cần Thơ…

Có thể thấy, với quỹ tiền mặt hạn chế, nhiều dự án chậm triển khai dẫn tới đội vốn, nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các dự án hiện hữu sẽ phụ thuộc vào nguồn tiền huy động bên ngoài. Nếu việc huy động vốn không thuận lợi, tiến độ của các dự án hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng nhất định.

Tiền lệ nợ thuế khi gặp khó dòng tiền

Thực tế, vấn đề dòng tiền không phải đến giờ mới phát sinh, bởi trong năm 2023, Saigonres đã có dấu hiệu gặp khó về dòng tiền.

Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM ban hành Thông báo số 25976/TB-CTTPHCM ngày 22/11/2023 về việc công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế đợt II/2023. Trong đó, tính đến ngày 31/10/2023, có 198 người nộp thuế nợ thuế với số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là 8.080 tỷ đồng và Cục Thuế TP.HCM có đề cập Saigonres (mã số thuế là 0301899038) đang nợ thuế tới hơn 34,6 tỷ đồng.

Phản hồi về vấn đề nợ thuế, Saigonres cho biết, tính đến ngày 30/11/2023, Công ty đã trích nộp vào ngân sách nhà nước số tiền nợ gốc hơn 28,4 tỷ đồng và số tiền chậm nộp là hơn 2,1 tỷ đồng.

“Việc thực hiện nộp gốc và tiền chậm nộp thuế đã được Cục Thuế TP.HCM ghi nhận và quyết định giải tỏa các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Saigonres”, ông Phạm Đình Thành, Phó tổng giám đốc Saigonres cho biết.

Trở lại sức khỏe tài chính của Saigonres, tại thời điểm cuối năm 2023, trên Báo cáo tài chính kiểm toán, khoản mục thuế và các khoản phải nộp Nhà nước giảm 74% so với đầu năm, tương ứng giảm 76,7 tỷ đồng, từ 103,6 tỷ đồng, còn 26,9 tỷ đồng và chiếm 1,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong năm 2023.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bất động sản, dấu hiệu hồi phục chậm hơn kỳ vọng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các sản phẩm bất động sản, cũng như khả năng thu hồi vốn đầu tư của các chủ đầu tư.

Việc Saigonres sở hữu quỹ tiền mặt hạn chế, nhu cầu đầu tư lớn và sức hấp thụ của thị trường về sản phẩm bất động sản vẫn chậm đang là thách thức lớn đối với Saigonres trong năm 2024.

Tin liên quan
Tin khác