Tiền không từ trên trời rơi xuống
Forex là từ viết tắt của Foreign Exchange - thị trường ngoại hối, hàng hóa là tiền, nhà đầu tư mua một số lượng tiền này và bán một số lượng tiền khác diễn ra cùng thời điểm, nói đơn giản đây là hoạt động đổi tiền.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, forex là thị trường giao dịch tiền tệ toàn cầu thông qua hệ thống ngân hàng trung ương của các quốc gia, vì vậy có tính minh bạch cao.
Đặc biệt, việc thao túng thị trường forex gần như là không thể khi giá trị giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày. Báo cáo năm 2016 (3 năm một lần) của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, giá trị giao dịch trên thị trường ngoại hối trung bình đạt 5.100 tỷ USD/ngày.
Tính thanh khoản cao và giá các cặp tiền tệ liên tục dao động mạnh, mang lại cơ hội mua bán hưởng chênh lệch giá với khả năng sinh lời cao.
Không ít nhà đầu tư tại các sàn giao dịch tiền ảo bị… “sập bẫy”. Ảnh: Dũng Minh. |
Tuy nhiên, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL lưu ý, tỷ giá thực của các đồng tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô như kinh tế, dầu mỏ, chính trị… nên việc giao dịch trên thị trường forex đòi hỏi các nhà đầu tư có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường.
Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, lên đến 100 - 200 lần, nhà đầu tư có thể kiếm được khoản lời lớn từ một khoản đầu tư nhỏ. Nhưng đây là con dao hai lưỡi, nhà đầu tư cũng đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn ngoài tầm kiểm soát.
Đặc biệt, theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 và các văn bản hướng dẫn, việc kinh doanh trao đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng và tổ chức được phép giao dịch.
Điều này có nghĩa, ở Việt Nam chỉ có các tổ chức tín dụng là được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho hoạt động kinh doanh ngoại hối, còn các tổ chức, cá nhân khác sẽ không được phép.
“Thực tế, có nhiều sàn giao dịch forex mở ra trái phép và mời chào hấp dẫn từ việc vốn ít, lời nhiều nên không ít nhà đầu tư đã tham gia giao dịch. Đây là các sàn giao dịch được mở ra trái pháp luật cho nên những giao dịch trên các sàn này là trái pháp luật, khi xảy ra các tranh chấp và xung đột về quyền lợi thì nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ bởi pháp luật”, ông Khương nhấn mạnh.
Không ít nhà đầu tư tại các sàn như UTspot, United (utdmarket.com), MEXFund, Forex4you, Obtrend… đã “sập bẫy”.
Chẳng hạn, khi nhà đầu tư có được những khoản lãi lớn từ việc đầu tư thì các sàn này “ngẫu nhiên bị sập”, hay tìm mọi cách để nhà đầu tư không rút được tiền. Việc này dẫn đến các nhà đầu tư không những không nhận được lãi mà còn mất trắng khoản đầu tư.
Luật sư Khương khuyến cáo, mặc dù có thể đem lại lợi nhuận lớn, nhưng thị trường forex cũng đem lại những rủi ro tiềm tàng không nhỏ khiến các nhà đầu tư đối diện với nguy cơ “tiền mất, tật mang”. Để tránh rủi ro này, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ thị trường tiền tệ để có sự hiểu biết sâu rộng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn sàn giao dịch là rất quan trọng, tránh việc bị lừa đảo và thực hiện những giao dịch trái với quy định pháp luật Việt Nam.
Mua tiền ảo, mất tiền thật
Giữa năm 2017, các khái niệm về tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là Bitcoin khi giá trị của các đồng tiền này liên tục tăng mạnh, giúp nhiều nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng.
Mang lại nguồn lợi nhuận lớn nhưng chính những đồng tiền này vài tháng sau đó khiến không ít người khốn đốn vì giá trị sụt giảm nghiêm trọng.
Luật sư Khương cho biết, tiền điện tử là một loại tiền ảo cho nên nhà đầu tư có thể phải chịu rủi ro về kỹ thuật bởi bất cứ khi nào và tiền ảo nào cũng có khả năng bị tin tặc tấn công. Khi đó, sàn giao dịch có thể bị “sập”, hoặc một bộ phận tiền ảo bị đánh cắp, dẫn đến mất mát cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, kênh đầu tư tiền ảo có rủi ro về tính pháp lý. Loại tiền điện tử này không được phát hành bởi bất kỳ chính phủ hay quốc gia nào và cũng không có các tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh.
Tại Việt Nam, pháp luật hiện nay không công nhận tiền ảo là tài sản hay phương tiện thanh toán; Bộ Công thương không công nhận tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ; Bộ Tư pháp không công nhận tiền ảo là loại tài sản. Cho nên, khi có xung đột hay tranh chấp xảy ra, quyền và lợi ích của nhà đầu tư khó có thể được pháp luật bảo vệ.
Mặc dù vậy, một số loại tiền ảo như Bitcoin đang tăng giá mạnh trở lại, thu hút không ít nhà đầu tư tham gia. Lời mời chào với lợi nhuận lớn từ các sàn tiền ảo khiến nhà đầu tư đổ tiền vào giao dịch, sau một thời gian thì sàn “đột nhiên bị sập”, lúc đó nhà đầu tư mới biết bị lừa. Đáng lưu ý, lợi dụng tiền ảo đang tăng giá, tiền ảo “rác” xuất hiện.
Khi sàn giao dịch tiền ảo đã dụ các nhà đầu tư mua tiền ảo thật thì họ dùng những tiền ảo thật này để mua lại tiền ảo rác nhằm kiếm lợi nhuận cao, khiến nhà đầu tư mất trắng số tiền ảo thật của họ.
Trường hợp này rất khó xử phạt chủ của những sàn giao dịch ảo về tội lừa đảo. Nếu nhà đầu tư góp bằng tiền thật vào sàn thì có thể xử phạt, nhưng nếu góp bằng tiền ảo, một loại tiền không phải là tài sản hay phương tiện thanh toán, sẽ không có căn cứ để xử phạt.
Thực tế, có nhiều sàn đa cấp tiền ảo biến tướng xuất hiện ở Việt Nam, dùng lời mời chào hấp dẫn dụ dỗ các nhà đầu tư tham gia như Winsbank, IBG, Myaladdinz hay Cashbackfro, nhưng các cơ quan chức năng không thể vào cuộc do không có căn cứ, mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư để tránh bị lừa.
“Nhà đầu tư nên chọn mua các loại tiền điện tử an toàn, có tính minh bạch cao, có lịch sử lâu đời như Bitcoin, Ethereum hay Ripple và tránh những lời dụ dỗ ngon ngọt mà mạo hiểm đầu tư vào những đồng tiền ảo chưa biết rõ thông tin và nguồn gốc. Nhà đầu tư có thể nhờ các chuyên gia, tổ chức và luật sư về lĩnh vực này tư vấn trước khi tham gia sàn giao dịch tiền ảo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành những quy định để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường này”, luật sư Khương khuyến nghị.