Khu vực miền Trung có lợi thế rất lớn về cảng biển, nhưng chỉ nên tập trung xây dựng ở một số địa phương để tránh tình trạng thừa cảng, lãng phí nguồn lực đầu tư. Trong ảnh: cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). |
Dày đặc khu kinh tế, cảng biển
Mối quan hệ giữa các tỉnh duyên hải miền Trung không thể tách rời với các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều chuyên gia nhận định, Tây Nguyên chính là hậu phương vững chắc cho vùng đồng bằng duyên hải, còn vùng duyên hải là cánh cửa để Tây Nguyên vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cho đến nay vẫn chưa phát triển một cách tương xứng với tiềm năng hiện có, một phần xuất phát từ việc quy hoạch hạ tầng, điều chỉnh hạ tầng của vùng rơi vào thế “vòng xoáy” nơi thiếu nơi thừa, khiến hiệu quả mang lại chưa cao.
Tại diễn đàn Kinh tế miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng, với đường bờ biển dài hơn 1.200 km và 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng biển loại I), vùng duyên hải miền Trung có những lợi thế mà ở nơi khác không có. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo, nếu các địa phương không biết phát huy, lợi thế đó trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển. “Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh duyên hải miền Trung là minh chứng điển hình của nghịch lý phát triển này”, TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Và rồi, khi dọc dãy Trường Sơn, nơi mà mỗi địa phương hình thành một cảng biển quốc tế như cảng Chân Mây (Huế), cảng Đà Nẵng và Kỳ Hà, Dung Quất (Quảng Ngãi), xa hơn là cảng Quy Nhơn và Nha Trang, cảng nào cũng tốt. Với mật độ này, liệu các địa phương có thực sự “nhường nhau” trong nỗ lực phát triển.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị Đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vùng miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Gia Lai mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đặt ra của vùng miền Trung là 8 - 9%, thực hiện đạt 8,5%; vùng Tây Nguyên mục tiêu là 7 - 7,5%, thực hiện đạt 7,3%. Trong đó, các địa phương đạt kết quả khá là TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum.
Tại sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng, tính liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp miền Trung và Tây Nguyên chưa nhiều, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh; chưa thực sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng, phối hợp hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.
Như câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Tuy có những lợi thế đặc biệt, nhưng miền Trung đã từng bỏ lỡ những cơ hội đầu tư vì thiếu sự liên kết.
Riêng với Tây Nguyên, đây là khu vực đang được Chính phủ rất quan tâm, điều kiện hạ tầng đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Đến nay, hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư, giao thông được cải thiện với 3 sân bay được nâng cấp, 13 tuyến quốc lộ và 57 tuyến tỉnh lộ được đầu tư…, đã góp phần đáng kể đưa kinh tế khu vực này phát triển.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, đối với các địa phương, trong nhiều trường hợp, nếu không biết phát huy đúng kiểu, lợi thế to lớn có thể trở thành yếu tố kìm hãm phát triển, dễ chuyển thành bất lợi, có tác động phá vỡ các nỗ lực phát triển của mỗi địa phương.
Điều kiện để kích hoạt kinh tế vùng
Sau nhiều cuộc “ngồi lại với nhau” với nhiều luồng ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, tình trạng “mạnh ai nấy làm” đã được cải thiện rõ rệt. Liên kết vùng đã và đang được các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên triển khai thực hiện, hướng tới mục tiêu huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.
Trên cơ sở liên kết vùng, các tỉnh, thành phố còn tùy vào tiềm năng, lợi thế và điều kiện liên kết riêng có, liên kết phát triển với các địa phương khác trong và ngoài vùng. Đó là, liên kết của 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; liên kết của 3 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng về phát triển du lịch; liên kết của TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc khai thác tiềm năng của Hải Vân Quan; liên kết của tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng trong việc xây dựng tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt nhằm phát triển mạnh du lịch; tỉnh Phú Yên kết nối với tỉnh Lâm Đồng trong việc hỗ trợ khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa của địa phương...
Mới đây, khi nói về tầm nhìn một Tây Nguyên mới (tại sự kiện Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xác định, Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại của di sản châu Á thế kỷ 21. Phải làm sao để Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.
“Tôi tin tưởng rằng, du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Do điều kiện tự nhiên và lịch sử, kết cấu hạ tầng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều yếu kém, bất cập. Xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài, trong khi các nguồn lực tại chỗ còn hạn chế. Để phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực này, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, thì liên kết hợp tác để thu hút các nguồn lực bên ngoài là phương án khả thi.
Các lĩnh vực cần liên kết để phát triển như năng lượng điện (thủy điện, điện nguyên tử, phong điện), mạng lưới truyền tải điện vùng nông thôn, miền núi, hệ thống thủy lợi, mạng lưới giao thông, nhất là giao thông nông thôn, quy hoạch chỉnh trang đô thị, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, hệ thống kho tàng bến bãi, dịch vụ hậu cần nghề biển, các trung tâm thương mại dịch vụ…
Một trong những động thái đáng chú ý của Trung ương, đó chính là việc Chính phủ đã cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu kinh tế cửa khẩu như Bờ Y, Lao Bảo, Cha Lo, Cầu Treo, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các khu kinh tế, khu công nghiệp, chính là nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ khu vực...
Các chuyên gia kinh tế nhận định, miền Trung đang dựa nhiều vào tuyến huyết mạch Quốc lộ 1A. Tuy đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn, đặc biệt, tuyến hầm đường bộ qua đèo Cả đã đưa vào sử dụng, khai thông sự kết nối giao thương, hỗ trợ kinh tế vùng phát triển mạnh trong những năm tới, nhưng xét về lâu dài, các địa phương vẫn kỳ vọng về việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đồng bộ để giải phóng áp lực lên tuyến Quốc lộ 1A, hỗ trợ kinh tế phát triển.
Cần cơ chế đột phá để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn
Trong quá trình quy hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển miền Trung, Đà Nẵng được xem là đô thị hạt nhân trong vùng, có tác động lan tỏa, kích thích các địa phương khác phát triển. Với việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ Hải Vân; nâng cấp, mở rộng cảng biển Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nút giao thông ngã ba Huế... đã góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa Đà Nẵng với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Mặc dù vậy, để vươn tầm, xứng đáng với vai trò đầu tàu của khu vực, Đà Nẵng cần có cơ chế đột phá để thu hút nhà đầu tư, nguồn lực từ xã hội, phải coi nguồn lực từ ngân sách nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng, chỉ là “khơi nguồn”, tạo đà cho sự phát triển; nguồn lực tư nhân và các tập đoàn, các tổ chức tài chính lớn mới là động lực chủ yếu.