Tổng vốn đầu tư nâng cấp Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối là hơn 75 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2018 |
Nâng cấp Trung tâm xử lý nước thải
Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) mới đây đã thông qua Nghị quyết số 7/NQ-TĐDMVN về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Trung tâm Xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối trong tháng 4/2018.
Đồng thời, giao Tổng giám đốc Tập đoàn chỉ đạo Chi nhánh làm việc với các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục chấm dứt hoạt động của Chi nhánh xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thông báo chấm dứt hoạt động của Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Trung tâm Xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối trong tháng 4 trên thực tế chỉ là mặt thủ tục. Các hoạt động chính của Trung tâm là xử lý nước thải từ các dự án dệt, nhuộm… trong khu công nghiệp vẫn diễn ra ổn định, liên tục, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Vinatex khẳng định, mặc dù đã bàn giao việc vận hành, khai thác cho Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, nhưng Vinatex vẫn luôn có trách nhiệm trong việc giám sát, chỉ đạo công ty tuân thủ các quy định pháp luật.
“Khu công nghiệp này do Vinatex đầu tư với tỷ lệ vốn chiếm 51%, dù tốt hay xấu nên đều ảnh hưởng đến Tập đoàn, nên không thể không có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động tại đây, trong đó có vấn đề môi trường trong khu công nghiệp”, theo ông Hiếu.
Hơn 1 năm trước, theo yêu cầu của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh, để quản lý nước cấp và nước thải về 1 đầu mối, Vinatex thấy đề xuất này là hợp lý, nên đã chuyển giao cho Công ty Hạ tầng quản lý và vận hành.
Như vậy, sau hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm Xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối đã được Vinatex chuyển giao cho Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối - Ban quản lý Khu công nghiệp Phố Nối B vận hành, quản lý và khai thác.
Ông Nguyễn Hải Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối cho biết, Công ty đã tiếp nhận Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối từ 1 năm trước.
Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã đầu tư nâng cấp theo yêu cầu về đánh giá tác động môi trường để nước thải đạt tiêu chuẩn cột B. Nguồn vốn đầu tư được dồn cho các hạng mục cải tạo, thay thế thiết bị, làm lại vi sinh, từ đó đến giờ, hoạt động xử lý nước thải hoạt động ổn định, tất cả thông số qua kiểm tra của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng đều đạt yêu cầu.
Nhưng, việc đầu tư chưa dừng lại ở việc duy trì nước thải sau xử lý ở mức cột B. Các hoạt động đầu tư để nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A hiện vẫn đang được Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối tiến hành.
Nước thải cột A không còn xa
Việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhằm đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, cột A, thay cho tiêu chuẩn cột B như hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vào đầu tư tại đây là đòi hỏi tất yếu đối với một Khu công nghiệp bề thế như Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối B, Hưng Yên, nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Trước đó, Trung tâm xử lý nước thải này từng một số lần dính phạt do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Điển hình là cuối năm 2016, Chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối bị phạt 555,5 triệu đồng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)
Tại miền Bắc, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B (thuộc xã Yên Mỹ, huyện Hưng Yên) là một trong những khu công nghiệp đặc thù, được xây dựng dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may và các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan và sở hữu nhiều điểm cộng, như tọa lạc ở vị trí thuận tiện cho giao thương, có hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tư đồng bộ, hoàn chỉnh với nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vào đầu tư.
Vị trí của Khu công nghiệp không chỉ thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa đến các vùng, miền, khu vực trong toàn quốc mà còn rất dễ dàng để thu hút nguồn lao động dồi dào từ các địa phương lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh,
Khu công nghiệp có tổng diện tích 121,81 ha, được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 25,17 ha, hiện đã lấp đầy 100% diện tích đất, thu hút các nhà đầu tư đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Anh, ý,…; giai đoạn 2 (96,64 ha) của Khu công nghiệp cũng đang trong quá trình được lấp đầy.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận chủ trương nâng cấp công nghệ (không thay đổi công suất) của Hệ thống Xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, nhằm xử lý nước thải đạt quy định tại cột A, QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
“Trong thời gian cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung, Vinatex phải có trách nhiệm đảm bảo hệ thống xử lý nước thải tập trung được vận hành ổn định, xử lý nước thải phát sinh phải đạt giá trị theo cột B, QCVN 40:2011/BTNMT và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo.
Điều này cũng được đại diện Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối thừa nhận: “Có 2 mốc mà Công ty phải tiến hành sau khi tiếp nhận, đó là nâng cấp cải tạo theo đúng đánh giá tác động môi trường để nước thải ra đạt cột B, mốc tiếp theo là đầu tư để nước thải sau xử lý đạt cột A”.
Được biết, tổng vốn đầu tư cho nâng chuẩn nước thải sau xử lý lên cột A khoảng 65 tỷ đồng. Nếu tính hơn 10 tỷ đồng đầu tư nâng cấp trong năm 2017 thì tổng mức đầu tư trên 75 tỷ đồng.
“Về chủ trương đầu tư thì đã có và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, nhưng về mặt trình tự thủ tục khi tiếp nhận, chúng tôi vẫn phải thẩm đinh, tổ chức phê duyệt, rà soát, khảo sát lại, tổ chức làm lại thủ tục pháp lý, từ việc xin cấp phép đầu tư, xin phép xây dựng”, theo ông Hà.
Đến thời điểm này, việc đầu tư đã và đang được thực hiện với khối lượng xây dựng tại thời điểm này đạt 70%.
“Hiện, các hạng mục xây dựng đã xong, gói thiết bị, công nghệ đã được lựa chọn xong rồi, nếu không có gì thay đổi thì cuối tháng 5 sẽ lắp đặt thiết bị và tháng 7 phải đi vào vận hành, vì yêu cầu của tỉnh là cuối tháng 8, nhưng phía doanh nghiệp thì phải xong từ trước đó cả tháng rồi, và nước thải ra môi trường khi phải đạt A”. ông Hiếu lưu ý.