Năm 2019, doanh thu của FPT Telecom đạt 10.398 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2018. |
Dịch vụ cốt lõi mang lại doanh thu lớn
Ngày mai (3/3), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Theo Báo cáo của Hội đồng Quản trị (HĐQT), năm 2019, doanh thu của FPT Telecom đạt 10.398 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2018.
Trong đó, các mảng kinh doanh duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Doanh thu dịch vụ viễn thông cho khách hàng tổ chức (kênh thuê riêng, thoại trong nước, cho thuê máy chủ, dịch vụ lưu trữ ảo hóa...) tăng trưởng 17,1%; doanh thu dịch vụ viễn thông cố định cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình tăng trưởng 14,7%, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền tăng trưởng 40,2% so với năm 2018.
Lợi nhuận trước thuế của FPT Telecom đạt 1.808 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 1.463 tỷ đồng.
“FPT Telecom đã tận dụng tối ưu các nguồn vốn thông qua việc sử dụng vốn vay trung hạn với mức lãi suất ổn định và vốn vay ngắn hạn với mức lãi suất ưu đãi; đồng thời, tối ưu dòng tiền đem lại lợi ích tài chính”, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom cho biết.
Trong năm 2019, FPT Telecom đã hoàn thiện và đưa ra thị trường một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO, ứng dụng xem truyền hình trực tuyến trên di động - FOXY, bộ thiết bị FPT Play Rogo, IP Camera…
Là nhà cung cấp dịch vụ Internet, truyền hình trả tiền, cho thuê đường truyền, tên miền và lưu trữ dữ liệu, quảng cáo trực tuyến… lớn trên thị trường hiện nay, nên với FPT Telecom, hạ tầng Internet, đặc biệt là data center vô cùng quan trọng, mang lại doanh thu chủ yếu cho công ty này. Riêng mảng cung cấp dịch vụ đã chiếm tới hơn 9.824 tỷ đồng trong tổng doanh thu năm 2019 của FPT Telecom.
Nhìn vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của FPT Telecom có thể thấy, từ năm 2017, doanh nghiệp này đã đổ tiền khá mạnh vào đầu tư hạ tầng. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn trong năm 2019 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2017 là minh chứng cho nguồn lực tài chính dồi dào để phục vụ các kế hoạch đầu tư trong tương lai của FPT Telecom.
Hoàn tất xây dựng, đưa vào khai thác 4 data center
Theo Kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông năm 2020, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu 11.814 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 13,6% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 11.150 tỷ đồng, tăng 13,9% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số là 664 tỷ đồng, tăng 9,0%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Công ty là 2.022 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2019.
Trước đó, tại Hội nghị Lãnh đạo FPT Telecom với chủ đề “Amazing Experience”, ông Hoàng Việt Anh, CEO FPT Telecom nhấn mạnh, mục tiêu của FPT Telecom trong năm 2020 là tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, phát triển thuê bao bền vững, nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo chất lượng hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn lực con người.
4 lĩnh vực sẽ được đơn vị đẩy mạnh là: cung cấp dịch vụ IP Camera đến hộ gia đình; triển khai dịch vụ Multi Cloud cho khách hàng doanh nghiệp; tiếp tục đầu tư và phát triển nội dung riêng trong truyền hình FPT, FPT Play và nhân rộng hệ sinh thái OTT (giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên nền tảng Internet).
Để thực hiện các hướng đi đó, FPT Telecom sẽ triển khai các trụ cột chính, gồm: tiếp tục cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông; tập trung vào mảng PayTV, OTT; phát triển giải pháp liên quan Smart Home (nhà thông minh); lấy Cloud (dữ liệu đám mây) làm trọng tâm trong mảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Việc đảm bảo chất lượng hạ tầng là vô cùng quan trọng, do đó, trong 3 năm tới, FPT Telecom sẽ triển khai một tuyến cáp với dung lượng 1 - 3 Tbps.
“Trong năm 2020, FPT Telecom sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng 2 trung tâm dữ liệu mới tại TP.HCM và Hà Nội; đồng thời đẩy nhanh các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu tại quận 9 (TP.HCM) và Đà Nẵng với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam về lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án cáp quang biển thứ 4 để đảm bảo an toàn hạ tầng mạng viễn thông, giảm thiểu rủi ro băng thông quốc tế khi sự cố đứt cáp xảy ra”, bà Hà chia sẻ.
Được biết, các dự án mới năm 2020 “tiêu tốn” của FPT Telecom hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, Dự án Data center tại Tân Thuận 1 (TP.HCM) được đầu tư 177 tỷ đồng; Data center tại Cầu Giấy (Hà Nội) được đầu tư 213 tỷ đồng; Data center tại quận 9 (TP.HCM) được đầu tư 150 tỷ đồng và Data center tại Đà Nẵng được đầu tư 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ đầu tư 120 tỷ đồng cho Dự án Tuyến trục Bắc Nam và 100 tỷ đồng cho dự án ngầm hóa. Riêng dự án cáp biển thứ 4 có tổng vốn 1.300 tỷ đồng.
Có thể thấy, với việc dồn nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, FPT Telecom sẽ trở thành đối thủ lớn nhất trong ngành dịch vụ dữ liệu đám mây, dịch vụ ảo hóa, Internet, truyền hình trả tiền.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ dữ liệu đang tăng trưởng 40%/năm, dịch vụ điện toán đám mây đạt 220 triệu USD. Như vậy, tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn Những khoản đầu tư của FPT Telecom là nhằm mở rộng thị phần, tăng doanh thu từ lĩnh vực này.