Theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ, với quyết tâm thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt 280.080 tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIII.
Trong đó, riêng đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ 77,7% (217.591 tỷ đồng gồm: vốn đầu tư trong nước, ngoài ngân sách 210.700 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.891 tỷ đồng. Chưa bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đăng ký 30.560 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư ngày 31/12/2020).
Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giảm bình quân 19,16%/năm; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng 33,27%/năm và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,11%/năm, gấp 1,55 lần thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 (180.690 tỷ đồng); tăng từ 43.672 tỷ đồng (thực hiện năm 2016) lên 83.893 tỷ đồng (ước thực hiện 2020).
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Công tác huy động và sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã đem lại một số kết quả tích cực trong thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế thành phố. Trong đó, tăng trưởng kinh tế thành phố GRDP duy trì tốc độ tăng ở mức khá, ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,53%/năm. Mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo chiều rộng, đã có sự chuyển dịch sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó chiều sâu là chủ yếu; hình thành những động lực tăng trưởng mới, mô hình mới. Quy mô nền kinh tế ước đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, gấp 1,45 lần so với năm 2016; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 97,2 triệu đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2016.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến, có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%, giảm 2,02% so năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 32,71%, tăng 0,33%; khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 60,05%, tăng 1,69%.
Kết quả thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có sự tăng trưởng ổn định. Đa số các nguồn thu, sắc thuế đều đạt dự toán hàng năm, đảm bảo nguồn ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu giao ước thực hiện 56.756 tỷ đồng, tăng bình quân 9,49%/năm. Quản lý chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 60.735 tỷ đồng.
Thành phố quan tâm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thông qua việc thực hiện các nhiệm về cải cách thủ tục hành chính, năng cao năng lực cạnh trạnh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng tín dụng lãi suất hợp lý...
Phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2020 cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.500 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 9.500 tỷ đồng, tăng 28,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 90,1% về số vốn đăng ký so năm 2016; nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 9.300 doanh nghiệp, qui mô vốn bình quân 11 tỷ đồng/doanh nghiệp, chiếm khoảng 26% doanh nghiệp cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký tăng vốn trên 30,8% với số vốn tăng bình quân đạt 15 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Mặc dù đạt kết quả quan trọng như nêu trên, nhưng theo Thành ủy Cần Thơ, chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế. Còn nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những chính sách ưu đãi của thành phố. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư ngoài nhà nước, đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Một số dự án có tiến độ triển khai chậm so với chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư.
Năng lực nội tại của nền kinh tế địa phương chưa cao, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm; trong cơ cấu nội bộ ngành vẫn chưa phát triển đồng đều, các ngành mũi nhọn ưu tiên, chủ lực, công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp, sự phân bố về hạ tầng công nghiệp, dịch vụ còn tập trung ở địa bàn trung tâm, khu đô thị và ven đô thị, bán kính hẹp. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ.
Việc triển khai thực hiện về một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng; môi trường đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin đối ngoại và hoạt động kinh tế đối ngoại từng lúc chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Đầu tư ngoài nhà nước trên địa bàn Cần Thơ đạt 217.591 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị thành phố về tầm quan trọng của nhiệm vụ thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển bền vững thành phố. Xác định nhiệm vụ thu hút đầu tư ngoài ngân sách là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của thành phố và của toàn xã hội. Quá trình thực hiện phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 04/11/2020 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, hoàn thành công tác lập Quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện theo quy định. Từng ngành, từng địa phương phải xây dựng quy hoạch của ngành, địa phương mình thật cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn và nhu cầu nhà đầu tư để có qui hoạch tích hợp chung của thành phố chất lượng tốt. Từ đó mới chỉ ra được cho nhà đầu tư là đến Cần Thơ làm gì, làm ở đâu?
Tăng cường công tác theo dõi, rà soát và giám sát đầu tư các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư đảm bảo việc triển khai, xây dựng các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt. Thường xuyên và kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động tại thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách hiệu quả. Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược. Tiếp tục mời gọi đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, cần tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp. Tập trung cho 2 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Từng bước tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương khác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao.
Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Tăng cường cải cách hành chính, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến và chất lượng cao; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.
“Với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thành phố sẽ tiếp tục nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm, tiếp tục đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố”, ông Lê Quang Mạnh nói.