Thực trạng
Các dự án của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam tập trung chủ yếu tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa… Loại hình đầu tư gồm giáo dục mầm non (28 trường), giáo dục liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông (29 trường), giáo dục đại học (5 trường) và chủ yếu là giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ (khoảng 300 cơ sở).
Việt Nam là quốc gia có nhu cầu cao về học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng quốc tế. Ảnh: Đ.T |
Hiện nay, có gần 20.000 trẻ mẫu giáo và học sinh đang theo học tại các trường mầm non và trường liên cấp cùng khoảng 8.000 sinh viên đang theo học tại các trường nước ngoài ở Việt Nam. Các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ cho học sinh, sinh viên, cán bộ, doanh nhân và người lao động Việt Nam, tạo môi trường học tập tốt cho con em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác, kinh doanh, góp phần thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài các lĩnh vực nói trên, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục còn được thực hiện thông qua việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nước ngoài với các cơ sở giáo dục Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2017, cả nước có 340 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo đang hoạt động giữa 85 cơ sở giáo dục Việt Nam với 258 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thuộc 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã tuyển được tổng số 86.000 sinh viên/học viên, trong đó có khoảng 48.000 người đã tốt nghiệp (gồm 18.000 cử nhân, 28.000 thạc sĩ, 60 tiến sĩ và 1.900 trình độ khác) cùng 38.000 người đang theo học.
Đầu tư của nước ngoài dưới hình thức liên kết đào tạo phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phần nào hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, ngoại tệ khi học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài.
Chưa nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào giáo dục
Việt Nam là quốc gia có nhu cầu học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng quốc tế rất cao. Bằng chứng là hiện có khoảng 160.000 người Việt Nam đang du học ở nước ngoài. Để thu hút đầu tư nước ngoài trong giáo dục, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Căn cứ Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì giáo dục được coi là ngành, nghề thuộc danh mục ưu đãi đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và ưu đãi thuế đất đai.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6 (thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) với nhiều thủ tục thông thoáng hơn nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này chưa nhiều. Giáo dục và đào tạo thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và cam kết WTO của Việt Nam mới mở cửa ở các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ. Công tác xúc tiến đầu tư chưa được chú trọng ở cấp trung ương và chưa được tập trung vào thế mạnh ở từng địa phương.
Giải pháp
Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 thay thế Nghị định số 73/2012 ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP được xem là bước đột phá đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với nhiều nội dung cởi mở, thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát biểu cam kết WTO về dịch vụ giáo dục để xem xét mở những ngành, phân ngành mà thực tế đã thực hiện; công bố và hướng dẫn về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và áp dụng cam kết WTO, cũng như xem xét, điều chỉnh các rào cản đầu tư cho nhà đầu tư theo lộ trình; tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư và danh mục ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết triển khai đối thoại chính sách với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, kiên quyết xóa bỏ những thủ tục, điều kiện đầu tư không hợp lý.
Với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng những giải pháp đồng bộ nêu trên và sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn tin tưởng rằng, đầu tư của nước ngoài trong giáo dục sẽ có những bước tiến mạnh mẽ về chất và lượng trong thời gian tới và đóng góp cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam.