Ảnh minh họa: Nguồn: AFP/TTXVN |
Ông Trịnh Đình Quyền, Giám đốc Công ty Tiến Thành cho rằng, cơ hội đầu tư vào Cuba là rất lớn. Bởi thế, công ty của ông Quyền đang dự kiến triển khai 4 dự án khủng thuộc 4 lĩnh vực khác nhau. Đó là, dự án về nông nghiệp với diện tích 360.000 ha, dự án nhà máy điện có công suất 1.500 MW, dự án sản xuất lốp ô tô, dự án nhà máy đường.
“Nếu những dự án này được triển khai như đề xuất, Cuba sẽ không lo thiếu lương thực, nhất là bắp và đậu tương, thậm chí là có thể xuất khẩu. Còn giá điện mà chúng tôi cam kết sẽ thấp hơn mức bán trên thị trường hiện nay”, ông Quyền khẳng định về những lợi ích của các dự án mà Tiến Thành sẽ mang lại cho Cuba. Tuy vậy, ông Quyền cũng còn không ít băn khoăn khi quyết định đầu tư vào Cuba.
Đơn cử, ông đã 2 lần đến Cuba để khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư. Các chuyên gia của Tiến Thành đã nhiều lần tới thăm các nhà máy đường của Cuba. Theo ông Quyền, chất lượng và sản lượng mía đường ở đây rất tốt, nhưng công nghệ sản xuất lại quá lạc hậu. Trong khi đang hăm hở với dự định hợp tác, đầu tư nhà máy, thì chỉ thời gian ngắn sau, Tiến Thành nhận được phản hồi từ phía bạn rằng, họ đang cân nhắc, xem xét việc hợp tác với các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thế là, dự án này đành phải gác lại.
Cũng theo ông Quyền, một vấn đề nữa là, hiện chưa có ngân hàng thương mại nào của Việt Nam mở chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Cuba, nên việc đầu tư của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vậy là, Tiến Thành lại phải về nước thuyết phục
Agribank sang Cuba khảo sát, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thành lập chi nhánh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngay trong buổi giới thiệu “Cơ hội đầu tư vào Cuba” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Quyền đã trao “bức tâm thư” cho ông Rodrigo Malmierca Diaz, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba bày tỏ mong muốn đầu tư cũng như đề nghị được hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Cuba.
Không chỉ Tiến Thành, mà một số doanh nghiệp khác của Việt Nam có mong muốn đầu tư vào Cuba cũng còn nhiều băn khoăn cần được giải đáp. Đại diện Công ty REE cho biết, REE muốn đầu tư dự án sản xuất thiết bị điện, nhưng chưa rõ quy định về thuế đối với các thiết bị, máy móc nhập khẩu để lắp đặt tại nhà máy. Trường hợp khác, Công ty Điện Quang dù đã có sản phẩm bóng đèn xuất khẩu vào thị trường Cuba từ năm 2009, muốn đầu tư nhà máy để sản xuất, nhưng chưa rõ về quy trình đàm phán để góp vốn trong liên doanh đầu tư nhà máy.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chưa hiểu rõ về các quy định của pháp luật Cuba liên quan đến đầu tư, các cơ chế ưu đãi, chính sách thuế, lao động, tiền lương…
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp các nước quan tâm đến việc đầu tư vào Cuba, nên cạnh tranh rất cao”, ông Rodrigo Malmierca Diaz nói và khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam hãy nhanh chân đầu tư, bởi cơ hội có nhiều, nhưng càng về sau thì cạnh tranh càng quyết liệt.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam, cùng với các nội dung của Kỳ họp lần thứ 33, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba, phía bạn đã cử sang Việt Nam đại diện của Đặc khu phát triển Mariel, lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế… để tham gia các hoạt động giao thương, gặp gỡ với các nhà đầu tư Việt Nam nhằm giới thiệu các cơ hội, chính sách và danh mục các dự án thu hút đầu tư, giải đáp những vướng mắc, trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước.