Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào do UBND TP.HCM phối hợp vơi Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP.HCM tổ chức ngày 13/12.
Doanh nghiệp Việt Nam và Lào trao biên bản hợp tác ghi nhớ tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Lào. |
Tại diễn đàn, thông tin về tình hình đầu tư giữa hai nước, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP.HCM cho biết, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại...
Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay, nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.
"Thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tại Lào đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn", bà Phimpha Keomixay nói.
Bà Phimpha Keomixay nhận định, trong tương lai, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhờ dân số trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi); GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng.
Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành nguồn năng lượng cho Đông Nam Á thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững.
Đánh giá về tiềm năng đầu tư tại Lào, bà Hứa Thị Bích Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến Thương mại Indochina Holdings cho biết, Lào đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như còn quỹ đất lớn phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch. Thế nhưng việc di chuyển giữa các vùng của Lào còn khó khăn do mạng lưới giao thông hạn chế.
Theo bà Thu, để thu hút các nhà đầu tư Lào cần tăng cường thông tin về các chính sách, dự án ưu tiên đầu tư; cải thiện hạ tầng giao thông, đầu tư các tuyến đường kết nối giữa các vùng và giữa Lào với các nước lân cận trong khu vực.
Phó thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào được thuận lợi hơn nữa. |
Phản hồi ý kiến của các nhà đầu tư Việt Nam, Phó thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia đầu tư lớn thứ 3 trong tổng số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Tuy nhiên, những kết quả hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai quốc gia.
Chính phủ Lào đang cố gắng cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với các quốc gia trong khu vực, củng cố dịch vụ vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh hơn nữa.
“Chính phủ Lào cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào được thuận lợi hơn nữa" - Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng.
Các lĩnh vực hai bên hợp tác tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch…