Dòng vốn chảy ngược
Tập đoàn TH vẫn đang trong những ngày rốt ráo triển khai Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moscow (Liên bang Nga), với quy mô vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD. Được khởi công xây dựng vào trung tuần tháng 5 năm ngoái, theo kế hoạch, cuối năm nay, Dự án sẽ được đưa vào hoạt động.
Không giống với dự án ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), ban đầu thuê nhà máy ở Hưng Yên, sau mới xây dựng nhà máy chế biến sữa ở Nghĩa Đàn, với dự án ở Moscow, tất cả được xây dựng cùng lúc và đồng bộ. Để tới cuối năm nay, khi đàn bò sữa đầu tiên được đưa về trang trại ở Moscow, nhà máy chế biến sữa cũng sẵn sàng hoạt động. Đầu năm 2018, những ly sữa mang thương hiệu TH đầu tiên sản xuất tại Nga sẽ chính thức ra mắt thị trường.
Mỏ Bạch Hổ - dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam - Liên bang Nga được khai thác thương mại từ giữa năm 1986. |
Theo kế hoạch, trong giai đoạn I, TH sẽ phát triển vùng nguyên liệu tập trung rộng hơn 50.000 ha, đàn bò 45.000 con, trong đó có 21.600 con bò cho sữa; xây dựng nhà máy sữa công suất 800 tấn/ngày; nhà máy thức ăn gia súc công suất 400.000 tấn/năm. Đồng thời, TH cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng TH True Mart trên toàn nước Nga.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay từ khi TH khởi công xây dựng Dự án từ năm ngoái, dư luận đã đặt kỳ vọng rất lớn vào dự án này. Bởi lẽ, sự kiện này đã đánh dấu một chặng đường mới trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga. Dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh hơn theo hướng ngược lại, thay vì chỉ chảy xuôi từ Nga vào Việt Nam như trước.
Trước đây, gần như có một quy luật bất biến, đó là chỉ có chuyện Việt Nam đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, thì nay câu chuyện có vẻ đã khác. Nhật Bản đã từng tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư ở Việt Nam. Và chỉ mới cách đây chưa lâu, tháng 3/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông Yuri Trutnhev, Phó thủ tướng, Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Liên bang Viễn Đông, cũng đã có một cuộc xúc tiến đầu tư tương tự. Đã có những lời mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Nga, với các chính sách khuyến khích đầu tư cởi mở và nhiều ưu đãi.
“Chúng tôi có quan niệm rằng, nên hợp tác với những người mà mình coi là bạn thì vẫn tốt hơn. Mà ai cũng biết Việt Nam và Liên bang Nga có tình hữu nghị như thế nào, hợp tác đầu tư trên tinh thần bạn hữu với nhau thì sẽ cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Yuri Trutnhev đã nói như vậy và cho biết, sau 2 năm thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, tại vùng Viễn Đông đã có khoảng 500 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ USD.
“Chúng tôi cũng rất sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Việt Nam sang vùng Viễn Đông”, ông Yuri Trutnhev nhấn mạnh.
Thực tế thì vài năm trở lại đây, đầu tư của Việt Nam sang Nga đã tăng khá nhanh, từ hơn 100 triệu USD năm 2008 đã lên khoảng 2,4 tỷ USD hiện nay, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp... Các dự án đầu tư lớn của Việt Nam sang Nga gồm Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet, TH TRUE Milk, Dự án Trung tâm Thương mại Hà Hội tại Moscow...
Nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư
Trái ngược với xu hướng dòng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Nga tăng mạnh trong những năm gần đây, thì vốn đầu tư từ Nga vào Việt Nam đang chậm lại. 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Nga chỉ đầu tư sang Việt Nam 7,2 triệu USD. Tính lũy kế, vốn đầu tư từ Nga sang Việt Nam hiện khoảng 1 tỷ USD.
bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, được triển khai hiệu quả.
Con số khá khiêm tốn và thực chất, vẫn chỉ tập trung vào các dự án mang tính chất truyền thống là hợp tác dầu khí. Thông tin cho biết, bên cạnh Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Tháng 4 vừa qua, một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo của hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga và Việt Nam, là Gazprom và PVN, đã diễn ra tại Moscow. Thông tin đáng chú ý, cả hai bên đã tiếp tục thảo luận về việc hợp tác khai thác dầu khí ở Việt Nam, cũng như các dự án dầu khí tại Nga.
Gazprom trên thực tế đã tham gia Dự án Khai thác mỏ khí Hải Thạch - Mộc Tinh tại Việt Nam từ năm 2003 và cho đến nay, tổng sản lượng khai thác tại cụm mỏ này đã đạt khoảng 6,6 tỷ m3 khí đốt. Trong đó, riêng trong năm 2016, đã đạt sản lượng 2 tỷ m3.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đã trao đổi về tiến trình thăm dò địa chất tại các lô 112 và 129-132 trên thềm lục địa Việt Nam, cũng triển khai dự án phát triển mỏ dầu - khí -
condensate-Nagumanovskoye và mỏ khí - condensate Severo - Purovskoye tại Nga, đồng thời thảo luận triển vọng hợp tác liên doanh trong lĩnh vực điện khí và phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên (NGV). Một khi các thỏa thuận này trở thành hiện thực, hợp tác dầu khí Việt - Nga sẽ càng chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư to lớn giữa hai bên.
Cơ hội sẽ còn lớn hơn nữa khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Amenia và Kyrgyzstan), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, được triển khai hiệu quả. Tuy chỉ là hiệp định thương mại tự do, song hiệp định này sẽ tạo cơ hội to lớn để hai bên hợp tác đầu tư, từ đó tham gia và tận dụng cơ hội từ các thị trường của nhau. Bởi lẽ, khối thị trường chung rộng lớn này có tổng GDP lên tới 2.200 tỷ USD và 183 triệu dân. Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng đã đặt mục tiêu tăng thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Đây là nền tảng quan trọng để hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga, cũng như với các nền kinh tế khác nội khối, được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Chuyến thăm Belarus và Liên bang Nga, kéo dài từ ngày 26/6 đến ngày 1/7/2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cho là sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam - Liên bang Nga và Việt Nam - Belarus.