Đề án xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, các giải pháp, tác động và lợi ích đem lại. Theo đó, về nhiệm vụ, nội dung đề án gồm 6 nhóm: Nghiên cứu cơ sở lý luận, chính sách và kinh nghiệm thực tiễn về đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học và công nghệ; điều tra, khảo sát nhu cầu, khả năng cung ứng phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp 4.0;
Nghiên cứu hiện trạng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội; vị trí, vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ và phổ biến kiến thức về khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới; nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến tập huấn kiến thức về khoa học và công nghệ.
Trong khuôn khổ đề án sẽ diễn ra 10 cuộc hội thảo xoay quanh nội dung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, hoàn thiện xây dựng báo cáo khuyến nghị chính sách với thành phố…
Theo UBND thành phố, thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Đáng chú ý, trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay, toàn thành phố đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa ứng dụng công nghệ cao; 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao.