Nhiều tiềm năng
Ngày 30/11, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và tư vấn (RICH), Hiệp hội Truyền thông Kỹ thuật số Việt Nam (VDCA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Singapore (ATIS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Vietnam Business Exchange” tại TP.HCM.
Với chủ đề “Innovation in Digitalisation: What’s Missing & Late-comer Advantage”, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) thông tin, Việt Nam hiện xếp thứ 46 trong số 132 nền kinh tế có trong GII 2023 (bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia) và xếp thứ 58 trong chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023.
Trong đó, TP.HCM lọt top 200 hệ sinh thái năng động nhất thế giới với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo số 1 Việt Nam (xếp thứ 114/1000 thành phố), đứng thứ 3 ASEAN (sau Singapore và Jakarta) và có giá trị thị trường khởi nghiệp 5,2 tỷ USD.
Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới và sáng tạo của TP.HCM với 53 trung tâm ươm tạo, 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 500 sự kiện đổi mới và sáng tạo, 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, 50 cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM hướng đến là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “Vietnam Business Exchange”. |
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cùng với việc phát huy nội lực, tự lực tự cường, TP.HCM cần thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có kết nối chặt chẽ với nền kinh tế trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Cần những chiến lược phù hợp
Theo ông Nguyễn Thắng, Giám đốc nghiên cứu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tốc độ thay đổi công nghệ, số hóa, chuyển đổi số tăng nhanh, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 xảy ra. Tỷ lệ đóng góp của nền kinh tế số vào GDP đã tăng từ 11,9% ở năm 2021 lên 14,26 ở năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm, con số này đã đạt được 15%. Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đạt được 25% của nền kinh tế số vào GDP.
Hiện nay, Việt Nam hiện có khoảng 65 triệu người sử dụng điện thoại di động và nằm trong tốp 3 quốc gia sử dụng điện thoại di động nhiều nhất khu vực châu Á. Việc áp dụng kỹ thuật số cũng có những thách thức, trong đó, do có quá nhiều nền tảng trong truyền thông số ở Việt Nam nên việc lựa chọn đúng nền tảng là điều rất quan trọng.
Ông Võ Thanh Mỹ, CEO Công ty cổ phần Navee, Chi hội trưởng Hội truyền thông số Việt Nam chia sẻ: “Ngoài các nền tảng, ứng dụng thông minh như: Facebook, Zalo, Tiktok để truyền thông cho các sự kiện, chúng ta có thể hợp tác với KOL, influencer… thay vì dành ra quá nhiều chi phí đầu tư truyền thông cho một dự án theo phương pháp truyền thống. Không những thế, để giảm bớt chi phí và thời gian, chúng ta cần có một công cụ phân tích trước khi tiến hành chiến dịch. Đây là phương pháp đang được ưa chuộng tại Việt Nam để truyền thông tốt cho một startup trên thị trường và thu hút nhiều nhà đầu tư.”
Ngoài ra, hiện có rất nhiều công cụ số được mở rộng để khách hàng tiếp cận nhiều dịch vụ số tại Việt Nam. Sự thay đổi này đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Thương mại điện tử, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa… trong và ngoài nước.
Đồng tình với ý kiến này, ông Herston Elton Powers, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc quản lý 1982 Ventures nhận định, ở Việt Nam hiện có chính sách rất mở, các doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng cho nền kinh tế số. Không những thế, tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất tài năng trong phát triển phần mềm và sử dụng công nghệ, đây sẽ là yếu tố đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về tự động hóa, robot và chuyển đổi số. Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp nhiều doanh nghiệp đầu tư cho tương lai.
“Vì vậy, tôi tin tưởng trong một năm tiếp theo, Việt Nam sẽ có những dấu hiệu tích cực về thị trường kỹ thuật số, dịch vụ tài chính số và sẽ gia tăng các công ty fintech… Từ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ kinh tế số, tài chính số”, ông Herston Elton Powers chia sẻ.