Thời sự
Đẩy nhanh hợp tác, xuất khẩu vật tư y tế sang EU, Mỹ và những thị trường có nhu cầu
Thế Hải - 08/04/2020 08:50
Bộ Công Thương phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh việc xuất khẩu vật tư y tế, khẩu trang sang các nước có nhu cầu, đặc biệt là EU và Mỹ.

Bộ Công Thương phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó các loại khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Hoa Kỳ và xử lý kịp thời các công việc được giao theo quy định, nhất là việc thông quan hàng hóa.

Đây là một nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 6/4/2020.

Những ngày qua, khách hàng từ những thị trường Mỹ, EU, Tây Ban Nha và mới đây là Nga, Canada đã gửi thông tin về nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng vật tư y tế, đồ bảo hộ, găng tay, mặt nạ…phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 7/4, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, liên tiếp có khách hàng từ các thị trường liên hệ về khả năng cung ứng các thiết bị vật tư y tế từ doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó, thị trường Nga đang cần cung cấp 1 triệu bộ đồ bảo hộ dùng 1 lần; hơn 5 triệu khẩu trang y tế; 2 triệu bọc giày kháng khuẩn, 1 triệu khẩu trang phòng khuẩn; 2 triệu khẩu trang vải; 100.000 kính bảo hộ, 1 triệu bộ áo choàng y tế…để chuyển đến Saint-Petersburg.

Các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm cần cung cấp giấy tờ chứng minh hàng hóa không thuộc hạng mục cấm xuất khẩu từ Việt Nam, giá FOB/CIF, điều khoản thanh toán, điều khoản giao-nhận, khối lượng hàng tối đa cho 1 chuyến đường tàu biển đến Saint-Petersburg, tính theo Russian 20 feet/ 40 feet FLC (Full-loaded containers).

Đầu mối liên lạc thị trường Nga: Anh Mai Tùng Lâm (e-mail: lammt@moit.gov.vn) Chuyên viên Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương.

Ngoài ra, thị trường Canada đang có nhu cầu lớn với số lượng hàng triệu sản phẩm đối với các mặt hàng: Khẩu trang N95 dùng 1 lần; Khẩu trang phẫu thuật dùng 1 lần; Găng tay nitrille; Găng tay vinyl; Áo choàng y tế và bộ đồ bảo hộ y tế; Thiết bị bảo hộ mắt; Sản phẩm rửa tay sát khuẩn;   Tăm bông lấy mẫu dịch xét nghiệm.

Cơ quan chức năng của Canada sẽ chủ động tiến hành sàng lọc và sớm liên lạc với doanh nghiệp khi đạt đúng yêu cầu.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 về việc cấp giấy phép xuất khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước). Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 01 tháng 3 năm 2020

Ngay sau khi có Nghị quyết này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải đã tăng lên. Các doanh nghiệp đã thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản...

Tổng cục Hải quan đã thay đổi quy định trong kiểm tra mặt hàng khẩu trang vải xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng khẩu trang vải sẽ giúp doanh nghiệp có thể đỡ được phần nào tình trạng thiếu việc do nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, EU bị hoãn, hủy bởi dịch Covid-19.

Được biết, trong nhiều kiến nghị nhằm gỡ khó cho ngành dệt may, Vitas cũng đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tổ chức sản xuất, xuất khẩu mặt hàng phục vụ phòng dịch để trang trải một phần năng lực sản xuất trống trong thời gian khó khăn này.

Tin liên quan
Tin khác