Chạy theo "Phong trào"
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm không chỉ trở thành gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đối với nhiều gia đình mà vấn đề học thêm quá đà còn chiếm hết thời gian vui chơi hay tham gia các hoạt động khác, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề "nóng" trong giáo dục. |
Một phụ huynh có con học lớp 9 trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, một tuần 3 buổi, cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm là chị lại cuống cuồng phóng xe qua các cung đường ùn tắc ở Thủ đô để nhà đưa đón con kịp giờ ở các lớp học thêm.
Cũng theo lời phụ huynh này, để chuẩn bị cho con thi vào các trường điểm, trường chuyên, đa số phụ huynh ở lớp con chị đều không ngại đầu tư thời gian, tiền bạc với mong muốn con được điểm cao.
Ở các cấp học dưới, tình trạng dạy thêm, học thêm cũng tràn lan không chỉ khiến phụ huynh mà ngay cả con trẻ cũng mệt nhoài. Tình trạng học sinh khi tới lớp học thêm ngủ gục hay không thể tập trung do mệt mỏi không hiếm.
Nhiều phụ huynh khi được hỏi cho biết các em mệt mỏi với việc phải chạy xô từ lớp học thêm này tới lớp học thêm khác. Tuy nhiên, nếu không như vậy thì con em họ sẽ khó chuyển cấp thành công.
Bày tỏ quan điểm về việc dạy thêm, một số phụ huynh cho rằng dù không muốn nhưng họ vẫn phải “chạy” bởi cả xã hội như vậy, nếu không theo sẽ trở thành lạc hậu.
Không chỉ xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh mà một số trường học hiện nay cũng “ép” trẻ học thêm dưới hình thức “tự nguyện” học ở “câu lạc bộ”.
Một phụ huynh có con học lớp 1, một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh rất bức xúc vì nhà trường “ép” cả học sinh lớp 1 học thêm.
Cụ thể, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đưa ra tờ cam kết các khoản thu chi tự nguyện để phụ huynh đăng ký. Trong đó, có một nội dung ghi rất chung chung là Câu lạc bộ ngoài giờ học chính thức trong ngày khối 3, 4, 5, mức phí 240.000 đồng/học sinh/tháng;
Câu lạc bộ ngoài giờ học chính thức trong ngày đối với học sinh lớp 1, 2, mức phí 300.000 đồng/tháng/học sinh.
Với số tiền đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh ký thỏa thuận mức chi 75% cho giáo viên đứng lớp, chi quản lý 15% và 15% còn lại cho điện, cơ sở vật chất.
Điều đáng nói Câu lạc bộ ngoài giờ học được chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp dạy kiến thức Toán, Tiếng việt từ 4 giờ 30 đến khoảng 5 giờ 15 phút mỗi ngày ngay tại lớp học.
Phụ huynh này bức xúc vì nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với tiểu học nhưng vẫn phải dạy thêm 1 tiết ngoài giờ ngay tại trường với từng đó kiến thức.
Làm sao để quản?
Trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.
Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng vì nhiều lý do mà đề xuất này bất thành.
Bình luận về ý kiến của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một số chuyên gia cho hay đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống.
Theo đó, Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa. Nhà trường, thày cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán.
Chưa kể, Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm theo chuyên gia cần nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng.
Đồng thời từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.
Chia sẻ thêm với các bậc phụ huynh, chuyên gia nói rằng cần tỉnh táo lựa chọn các lớp học thêm cho con. Theo đó, nếu môn học nào trẻ bị hổng kiến thức thì nhờ cô giáo phụ đạo thêm, tránh trường hợp cho con đi học thêm theo phong trào, theo sở thích của con hoặc vì “ngại cô”.
“Việc phụ huynh đưa con em mình đến nhiều lớp ôn luyện với lịch học dày đặc, thậm chí một môn học với nhiều thầy cô sẽ không hiệu quả, khiến các con căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tác dụng ngược là các con sẽ sợ học, dẫn đến tâm lý muốn buông xuôi”, chuyên gia nêu quan điểm.