Theo tính toán của Cục Viễn thông, nếu tắt sóng 2G ở thời điểm 1/1/2022, sẽ có khoảng 30 triệu thuê bao 2G trên cả nước bị ảnh hưởng. |
Quyết phương án tắt sóng 2G
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) cho biết, Việt Nam có tốc độ phát triển di động tăng rất nhanh. Hiện nay, Việt Nam có hơn 132 triệu thuê bao di động, bao gồm cả thuê bao 2G, 3G và 4G. Trong đó, thuê bao di động băng rộng 3G và 4G hiện chiếm khoảng 50%, còn lại là công nghệ 2G cũng khoảng 50%. Bộ TT&TT sẽ có chính sách, sớm công bố lộ trình để tắt sóng công nghệ 2G, chuyển sang công nghệ băng rộng 3G, 4G và năm 2020 là 5G.
Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ nghiên cứu. Đa phần người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia”.
Bộ TT&TT đang cân nhắc việc quyết định về lộ trình tắt sóng công nghệ di động mặt đất 2G, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, vì không còn phù hợp với sự phát triển của mạng viễn thông.
Hiện nay, trên hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm: GSM (2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE - A (4G) triển khai từ năm 2016. Mạng 5G đang triển khai thí điểm và đến năm 2020 sẽ phát sóng thương mại.
Theo Bộ TT&TT, việc loại bỏ công nghệ cũ sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng phổ tần, đáp ứng nhu cầu về phổ tần ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp di động, vì công nghệ càng cũ thì hiệu quả sử dụng phổ tần càng thấp. Đồng thời, tắt sóng 2G sẽ giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế trong vận hành mạng lưới của doanh nghiệp, dồn lực đầu tư cho công nghệ mới 5G.
Dưới góc độ lợi ích nhà mạng, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và các nhà mạng đang thiếu băng tần cho triển khai 4G. Do vậy, nếu tắt sóng 2G sẽ giúp giải phóng băng tần 1.800 MHz để sử dụng cho phát sóng 4G. Bên cạnh đó, hiện mạng 2G đã khấu hao gần hết, trong khi mạng 3G vẫn còn khấu hao cao.
Còn ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel thì cho rằng, các nhà mạng đang không đủ băng tần để phục vụ phát triển thuê bao 4G. Viettel hiện dùng băng tần được cấp cho 2G, 3G để cung cấp dịch vụ 4G. Nhà nước nên đấu thầu, cấp băng tần cho nhà mạng và nhà mạng sẽ quyết định sử dụng băng tần đó theo nhu cầu của thị trường.
Giảm thiệt hại cho khách hàng và nhà mạng
Số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, tính đến tháng 8/2019, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam là hơn 132,7 triệu. Trong đó, thuê bao chỉ sử dụng thoại và tin nhắn (2G) là 71,45 triệu, thuê bao phát sinh dữ liệu (3G, 4G) là 61,33 triệu. Như vậy, nếu tắt sóng 2G, sẽ có hơn 71 triệu thuê bao 2G bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của Cục Viễn thông, nếu tắt sóng 2G ở thời điểm 1/1/2022, sẽ có khoảng 30 triệu thuê bao 2G trên cả nước bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, để khách hàng không bị ảnh hưởng, nhà mạng không bị “vỡ nồi cơm”, giảm doanh thu, các nhà mạng đề xuất, ngay từ thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước sớm xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất máy đầu cuối có hỗ trợ 3G, 4G giá rẻ. Đồng thời, cần sớm xây dựng chính sách trợ giá, hoặc có chính sách đổi máy điện thoại hỗ trợ 3G giá rẻ cho người dùng.
Bản thân các nhà mạng ở thời điểm hiện nay cũng rất lo lắng khi 30% thiết bị đầu cuối vẫn là 2G, tần số 2G (900 MHz và 1.800 MHz) có lợi thế phát sóng rộng khắp, chủ yếu cho khách hàng vùng nông thôn. Thực tế là từ khi có 4G, các nhà mạng đã dừng đầu tư cho 3G, vì 3G có thể thay thế được bằng 4G. Vì vậy, các nhà mạng đề xuất cần nghiên cứu thêm phương án tắt 3G hay 2G và phương án nào có lợi hơn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“Chỉ có thể tắt 2G, 3G khi thị trường còn số lượng thuê bao rất ít và doanh nghiệp có thể hỗ trợ smartphone cho người dùng 2G, 3G để chuyển lên 4G hoặc 5G”, đại diện một nhà mạng chia sẻ.