Y tế - Sức khỏe
Đề nghị các địa phương giám sát, xét nghiệm người về từ TP.HCM
D.Ngân - 26/10/2021 08:37
Một số địa phương, nơi người dân trở về từ TP.HCM đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát, xét nghiệm những trường hợp này.

Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128.

Một số địa phương, nơi người dân trở về từ TP.HCM đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm ca nhiễm trong ngày.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh, số ca mắc và tử vong giảm rõ rệt. Các địa phương từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong thời gian này, số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một số địa phương, nơi người dân trở về từ TP.HCM đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm ca nhiễm trong ngày.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát tất cả người đi về từ những tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...).

Các tỉnh cần tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm người có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ 4 tỉnh, thành phố nói trên và địa phương có dịch ở cấp độ 3,4; Xét nghiệm người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với tình huống diễn biến dịch Covid- 19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động. Đặc biệt, các tỉnh cần tăng cường năng lực y tế, có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động.

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai.

Liên quan tới tình hình dịch tại TP.HCM, TS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện tại, số ca mắc mới của TP.HCM giảm, số người mắc mới/100.000 dân/tuần là 73.5 ca. Căn cứ theo Nghị quyết 128, thành phố đang ở cấp độ 2.

Nếu xét trên tiêu chí về số ca mắc mới/100.000 dân/tuần, TP.HCM ở cấp độ 3. Tuy nhiên, thành phố có tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt mức độ cao. Số người đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin đạt trên 99%. Tỷ lệ tiêm đủ liều của người trên 65 tuổi đã đạt 91,8%. Do đó, thành phố được xếp vào nhóm nguy cơ cấp độ 2.

Mặc dù nguy cơ cấp độ 2, số ca mắc ở thành phố và công tác ứng phó của ngành y tế vẫn ở mức độ 3, tức là nguy cơ cao. Do đó, chúng ta vẫn rất thận trọng", TS.Châu nói.

Đến cuối tháng 10/2021, TP.HCM sẽ hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Do đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan.

"Nếu chủ quan, không tuân thủ 5K, nguy cơ lây lan nhanh, số ca mắc tăng trở lại, dịch ở TP.HCM có thể bùng phát trở lại, lúc này tình hình sẽ rất khó khăn", TS.Châu lo ngại.

Về điều trị căn cứ số lượng bệnh nhân cần chăm sóc và điều trị tương ứng từng mức độ dịch, phân bố chung về tỷ lệ mức độ nặng của các trường hợp mắc Covid-19, tình hình cơ sở vật chất, nhân lực y tế hiện hữu, Sở Y tế dự kiến xây dựng 4 kịch bản ứng phó của hệ thống điều trị tương ứng với các tình huống dịch bệnh như sau:

Tình huống 1: Nếu tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1, các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý.

Các trường hợp cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận bởi Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ba tầng - số 16, khoa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Từ Dũ, để điều trị người mắc Covid-19 với 2.000 giường (trong đó có 1.040 giường ô-xy và 360 giường ICU), 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai.

Tình huống 2: (Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ dịch 2)

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý.

Các trường hợp F0 cần nhập viện điều trị sẽ được tiếp nhận (tùy theo mức độ nặng) bởi 2 bệnh viện dã chiến thành phố (dã chiến thu dung điều trị Covid-19 ba tầng - số 13 và số 16), các bệnh viện dã chiến quận, huyện; khoa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2); 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương).

Tổng số giường dự trù là 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU. 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.

Tình huống 3: (Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3)

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 F0, do đó, cần thành lập thêm 135 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố.

Công tác thu dung điều trị tại bệnh viện do 3 bệnh viện dã chiến số 13, số 14, số 16; bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức Covid-19 (Chợ Rẫy, Quân Y 175, Bệnh Nhiệt đới); Ba bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) thực hiện.

Tổng cộng công suất dự trù đạt 11.623 giường, trong đó có 3.815 giường oxy và 803 giường ICU, 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai.

Tình huống 4: (Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố bùng phát trở lại, số ca mắc mới tương ứng mức độ 4)

F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý. 

Căn cứ vào số F0 cách ly tại nhà mà các phường, xã, thị trấn thành lập thêm các tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng để hỗ trợ trạm y tế và trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý F0, mỗi tổ phụ trách 20-50 F0.

F0 có bệnh lý nền không ổn định sẽ chăm sóc tại bệnh viện dã chiến thành phố và quận, huyện. 

Ngoài các bệnh viện dã chiến thành phố và quận, huyện sẵn có, mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường.

F0 nặng, nguy kịch sẽ được chăm sóc và điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến thành phố, khoa/đơn vị Covid-19 của các bệnh viện và 3 bệnh viện hồi sức Covid-19. Ước tính có khoảng 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19 (bao gồm 6.500 giường ô-xy và 2.000 giường ICU).

Tin liên quan
Tin khác