Tài chính - Chứng khoán
Đề nghị Quốc hội xóa 11.896 tỷ đồng tiền nợ thuế
Mạnh Bôn - 17/09/2019 14:46
Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 37.572 tỷ đồng.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế còn nợ đến trước ngày 01/01/2020 cho 7 nhóm đối tượng.

Nợ không có khả năng thu chiếm hơn một nửa

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2018, tổng số tiền nợ thuế là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ (nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, cơ quan hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng).

“Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 37.572 tỷ đồng (trong đó, nợ các khoản thuế, phí là 20.327 tỷ đồng; nợ các khoản liên quan đến đất là 1.295 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 15.950 tỷ đồng), chiếm 49,3% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2018”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng giải thích.

Phân tích cụ thể số tiền nợ đọng thuế, theo người đứng đầu ngành tài chính, trong số nợ đọng nêu trên, có 759.319 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; đã tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; người nộp thuế gặp khó khăn bất khả kháng với tổng số nợ đọng là 29.293 tỷ đồng, trong đó, nợ tiền thuế 17.397 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 11.896 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, có 222.664 doanh nghiệp, tổ chức nợ thuế không có khả năng thu hồi với số tiền 26.651 tỷ đồng, trong đó nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 10.990 tỷ đồng; có 536.655 hộ gia đình, cá nhân nợ thuế không có khả năng thu hồi với số tiền 2.642 tỷ đồng, trong đó nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 905 tỷ đồng.

Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Quốc hội xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế còn nợ đến trước ngày 01/01/2020 cho 7 nhóm đối tượng với tổng số tiền là 11.896 tỷ đồng, trong đó, xóa cho doanh nghiệp, tổ chức hơn 10.990 tỷ đồng; xóa cho hộ gia đình, cá nhân 905 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Cơ quan chủ trì thẩm tra Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước) đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính vì Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng thuế không có khả năng thu ngày càng tăng, tạo gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế mặc dù đối tượng đã không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và không còn đối tượng để thu các khoản nợ này.

Nguyên nhân của việc xóa nợ thuế đạt rất thấp, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chấm dứt kinh doanh nhưng không làm thủ tục phá sản hoặc chỉ thông báo phá sản nhưng không hoàn thành các thủ tục phá sản, do đó, cơ quan thuế không có hồ sơ để xử lý xóa nợ thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.

“Trường hợp xóa nợ cho người nộp thuế đã chết, mất tích mà không còn tài sản để nộp thuế, thực tế khi cá nhân đã chết thì không xác nhận được còn tài sản hay không. Trường hợp còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sở hữu chung của gia đình vợ hoặc chồng và các con và không thực hiện phân chia xử lý thừa kế theo quy định của pháp luật, dẫn đến tình huống không xác định được người nộp thuế không còn tài sản để xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành”, ông Hải nói thêm.

Lo bị lợi dụng

Thảo luận Dự thảo Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh đồng ý xóa một phần nợ thuế cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng ông Thanh băn khoăn, tổng số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi lên tới 41.387 tỷ đồng, Bộ Tài chính chỉ đề nghị xóa có 11.896 tỷ đồng (tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp).

“Số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi (nợ gốc) lên đến 30.000 tỷ đồng thì xử lý thế nào?”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Ông Thanh cũng lo ngại chính sách này sẽ bị lợi dụng. Bởi theo Dự thảo Nghị quyết thì đối tượng nợ thuế được xem xét xóa bao gồm cả doanh nghiệp có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký.

Quy định này, theo ông Thanh là chưa chặt chẽ, vì doanh nghiệp mới chỉ gửi quyết định giải thể, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được xem xét xóa nợ thuế trong khi chưa hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản.

“Trên thực tế thì số lượng doanh nghiệp phá sản theo Luật Phá sản vô cùng ít vì thủ tục phá sản rất phức tạp, thời gian xử lý phá sản doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, nếu họ chỉ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã cho xóa nợ thuế thì sẽ bị lợi dụng”, ông Thanh phân tích.

“Doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký không có nghĩa là đã đóng cửa, giải thể, ngừng hoạt động mà có thể người ta chuyển địa điểm kinh doanh khác nhưng không đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp này mà cho xóa nợ thuế thì tạo ra kẽ hở rất lớn để doanh nghiệp lợi dụng”, ông Thanh lo lắng.

Đồng tình với việc xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp thuế với các đối tượng còn nợ thuế trước ngày 1/1/2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực), nhưng bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội lại băn khoăn việc xử lý đối với tiền bảo hiểm xã hội.

“Những đối tượng có nợ thuế chắc chắn là có nợ bảo hiểm xã hội. Chúng ta thống nhất xóa tiền nợ thuế, vậy thì tiền nợ bảo hiểm xã hội xử lý thế nào?”, bà Thúy Anh đặt câu hỏi.

Tin liên quan
Tin khác