Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch. |
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND Tp Hà Nội đề nghị rà soát, tạm dừng các dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ Pháp cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, Tư vấn ADPi của Pháp đã hoàn thành dự thảo Báo cáo cuối kỳ và đang được Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT xem xét, trước khi lấy ý kiến tham gia của UBND Tp Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay có một số dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được UBND Tp Hà Nội cấp phép đầu tư và các nhà đầu tư chuẩn bị khởi công như: Dự án xây dựng nhà ga hàng hóa ALS (nằm trong khu vực nghiên cứu dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T3), Dự án khu khách sạn hàng không, dịch vụ thương mại (nằm trong khu vực nghiên cứu dự kiến xây dựng khu phụ trợ hàng không và đường lăn nối Bắc – Nam).
Để tránh lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng và thuận lợi trong công tác nghiên cứu lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đề nghị UBND Tp Hà Nội rà soát, chỉ đạo các nhà đầu tư tạm dừng các dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho đến khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tính đến đầu tháng 8/2020, tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch cảng hàng không quan trọng bậc nhất cả nước này.
Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của ICAO, có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380. Đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050.
Đáng chú ý, giai đoạn đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất/hạ cánh (CHC), trong đó giữ nguyên 2 đường CHC hiện hữu phía Bắc và xây mới 1 đường CHC mới phía Nam, cách đường CHC 1B hiện hữu là 2.200m.
Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu sẽ tiếp tục được mở rộng để đạt công suất chung giữa T1+T2 là 30 - 40 triệu khách/năm. Nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm.
Đến năm 2050, một trong hai sân bay lớn nhất cả nước này sẽ có 4 đường cất hạ cánh. Đường cất hạ cánh thứ 4 sẽ được xây mới ở phía Nam. Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách. Cụ thể, sẽ tiếp tục xây mới nhà ga hành khách T4 công suất 25 triệu khách/năm tại vị trí nhà ga T1 hiện hữu và xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.
Về quy hoạch sử dụng đất, nguyên tắc được tư vấn tuân thủ chặt chẽ là đảm bảo hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội (diện tích khoảng 2.230 ha); đảm bảo đủ quỹ đất cho quốc phòng.