Thời sự
Đề thi ngữ Văn không gây bất ngờ với thí sinh
D.Ngân - 07/07/2022 11:48
Theo một số giáo viên, đề thi môn ngữ Văn năm nay không gây bất ngờ với thí sinh.

TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai, đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. 

Theo một số giáo viên, đề thi môn ngữ Văn năm nay không gây bất ngờ với thí sinh.

Cô Tuyết cho rằng, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2022 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp.

Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo. 

Cụ thể, phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. 

Phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; 

Sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.

Phần Làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Với yêu cầu trong đề thi về trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước, đề thi đã mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc “tiếp bước thế hệ đi trước” - bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển. 

Nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ. 

Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng…

Hơn thế nữa, nếu thí sinh không đọc kĩ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.

Phần nghị luận liên quan tới truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì lại khiến học sinh có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc độc đáo hơn về  “mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”. 

Theo cô Tuyết, câu nghị luận văn học đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.

Gợi ý đáp án đề thi Ngữ văn do Hệ thống Giáo dục Hocmai đưa ra:

I. ĐỌC HIỂU

1. Thể thơ: Tự do.

2. Tính từ miêu tả vẻ đẹp: “trong”, “tinh khiết”, “khỏe”, “mơn mởn”.

3. Đoạn thơ đã sử dụng biện pháp so sánh: “tuổi trẻ" được so sánh với “sao trời” và “lửa thiêng liêng”.

- Tác dụng của biện pháp so sánh:

- Hữu hình hoá “tuổi trẻ” thành sự vật hữu hình là “sao trời mát mắt" và “lửa thiêng liêng” với trạng thái “cháy bùng".

Làm rõ vẻ đẹp của “tuổi trẻ”, qua những hoàn cảnh khác nhau: “khi yên bình hạnh phúc”, “khi giặc giã đụng vào bờ cõi”.

4. Đây là câu hỏi mở, học sinh nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. Sau đây là gợi ý:

- Suy ngẫm về sự hi sinh của tuổi trẻ được tác giả thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ cuối của phần trích.

- Tuổi trẻ cống hiến, hi sinh và góp phần tạo nên những giá trị, lịch sử; từ đó thể hiệnvà đề cao tinh yêu nước, tinh thần dân tộc.

- Khẳng định và đề cao những phẩm chất, lý tưởng cần có của con người trong mối quan hệ với quê hương, đất nước.

- Khơi dậy ý thức về tình yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng cho những thế hệ sau.

- Thể hiện sự trân trọng, tự hào với thế hệ đi trước và niềm tin vào những thế hệ kế cận.
II. LÀM VĂN

1. Viết đoạn văn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn (khoảng 200 chữ) theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Có thể theo hướng:

Thế hệ trẻ cần có cần có nhận thức đúng đắn về sức trẻ và thái độ trân trọng những di sản mà cha ông đã để lại, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước.

Thế hệ trẻ cần có tư duy tỉnh táo để nhận thức được những bất cập, lạc hậu; tiếp nối có chọn lọc để thế hệ sau ngày càng phát triển hơn.

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

2. Làm văn: Phân tích đoạn trích trong truyện ngắn Đoàn thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu từ đó liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống:

a. Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.

 b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Nội dung và nghệ thuật đoạn truyện; liên hệ đến hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đoạn trích.

* Phân tích đoạn trích:

- Phát hiện của Phùng về vẻ đẹp của chiếc thuyền:

+ Sau nhiều lần chờ đợi, bỏ qua những khung cảnh khác, cuối cùng người nghệ sĩ đã chụp được một bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời với hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Con thuyền ấy trong buổi bình minh hiện ra rất đẹp, ấn tượng như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.

+ Theo Phùng thì “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích” từ màu sắc (“bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”) đến đường nét (“mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe”, “tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi”) và con người (“ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”).
-Phản ứng của người nghệ sĩ: 

+ Phùng đã tràn đầy xúc động, sung sướng vô cùng khi bắt gặp được cảnh “đắt” trời cho. Anh cảm thấy choáng ngợp trước “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn” và đứng trước cảnh ấy, anh trở nên “bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.

+ Với người nghệ sĩ, khung cảnh đó chứa đựng “chân lí của sự hoàn thiện”, làm dấy lên trong Phùng những xúc cảm thẩm mĩ khi nghĩ đến lời đúc kết “Bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc, trở nên trong trẻo, tinh khôi khi bắt gặp được hình ảnh của cái tận thiện, tận mĩ.

* Đánh giá chung:

- Qua đoạn trích, tác giả đã khơi lên một nội dung quan trọng liên quan đến tình huống độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.

- Tác giả lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp (nghệ sĩ Phùng, nhân vật trong tác phẩm) làm cho câu chuyện trong đoạn trích trở nên khách quan, chân thực và đầy thuyết phục. Lời văn giản dị, đằm thắm mà sâu sắc, đa nghĩa, đầy dư vị.

* Liên hệ đến hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

- Hình ảnh hai chiếc thuyền gợi ra ý nghĩa: bức tranh thiên nhiên thì tuyệt mĩ nhưng bức tranh hiện thực thì trần trụi, nhọc nhằn. Từ sự phức tạp ấy, người nghệ sĩ cần nhận ra rằng để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, họ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn.

- Nghệ thuật phải miêu tả chân thực đời sống, nắm bắt cả những khoảnh khắc đẹp và chưa đẹp để có cái nhìn toàn diện về cả bề mặt lẫn chiều sâu của đời sống. Người sáng tác không thể lảng tránh sự thật về cuộc đời và số phận con người; phải trung thực và đầy bản lĩnh khi đã kiên quyết lựa chọn con đường “nghệ thuật vị nhân sinh”, phải có khả năng thấu hiểu đời sống, không thể nhìn cuộc đời bằng con mắt giản đơn, dễ dãi.

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Tin liên quan
Tin khác