Đám cưới của tỷ phú Ấn Độ tại Phú Quốc. |
Du khách Ấn Độ tăng trưởng 82%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đón và phục vụ trên 3,66 triệu lượt khách quốc tế, trong đó Ấn Độ là thị trường có sự hồi phục đáng kinh ngạc với 82%.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định, Ấn Độ từ lâu đã là một điểm đến tôn giáo rất phổ biến đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các Phật tử. Ấn Độ cũng là một điểm đến yêu thích của nhiều du khách Việt để trải nghiệm, tận hưởng những hoạt động thú vị như thiền, yoga... Những địa danh như Leh-Laddak, Kashmir, Jaipur, Risikesh… đang trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều hội nhóm du lịch.
Ở chiều ngược lại, lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam năm 2022 đạt 137.900 lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất. Tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 45%/tháng. Từ tháng 7/2022 trở đi, lượng khách Ấn Độ hàng tháng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Có được kết quả trên là nhờ nhiều đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước được kết nối và mở rộng. Ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Indigo đang khai thác hàng chục đường bay kết nối giữa các thành phố. Với 21 đường bay thẳng, trên 60 chuyến bay mỗi tuần sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước.
Ngành du lịch Việt Nam cũng tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá tới thị trường Ấn Độ. Đơn cử, Diễn đàn Xúc tiến du lịch Việt Nam - Ấn Độ diễn ra ngày 14/12 tại New Delhi, hay “Chương trình trao đổi chuẩn bị phục vụ thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông” hồi tháng 9/2022 do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức, giúp kích cầu du lịch với hàng chục doanh nghiệp lữ hành từ Ấn Độ đến TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa để xúc tiến du lịch hai chiều.
Hiện nay, lượng tìm kiếm từ thị trường Ấn Độ đang có xu hướng tăng khá nhanh, trong tháng 11/2022 tăng gấp 3 lần so với tháng 7/2022 và gấp 2 lần so với tháng 8/2022. Công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cũng cho biết, Ấn Độ thuộc top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam...
Nhận định về tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch trong thời gian tới, ông Saurabh Sanyal, Tổng thư ký Phòng Thương mại PHD và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ đã có mối quan hệ tốt đẹp và hòa hợp trong nhiều thế kỷ qua.
Ấn Độ là điểm đến tâm linh ưa thích của nhiều người Việt Nam, bởi đây là nơi tọa lạc của nhiều ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng, trong đó có Tháp Đại Giác (Mahabodhi) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi tương truyền Phật Thích Ca đã thành đạo.
Lượng du khách trao đổi giữa Việt Nam - Ấn Độ đã tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm (2016-2019), đạt trên 200.000 lượt trong năm 2019. Liên tiếp trong năm 2019, 2020, 2022, Hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Vietnam Airlines và Vietjet Air của Việt Nam đã mở 21 đường bay trực tiếp với trên 60 chuyến/tuần kết nối các thành phố lớn của 2 nước. Việt Nam đang có cơ hội lớn để đón nguồn khách từ quốc gia 1,4 tỷ dân này.
Nhanh chóng đào tạo nhân sự nấu món ăn Ấn Độ
Một vấn đề đặt ra cho ngành kinh tế xanh Việt Nam là chưa đáp ứng được số lượng lớn cho thị trường Ấn Độ. Từ thực tế triển khai phục vụ thị trường này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, bên cạnh những thuận lợi như có nhiều nét tương đồng trong văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng, nhiều nhà hàng chuẩn Ấn Độ… ngành du lịch TP.HCM còn không ít thách thức nếu muốn khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này.
Đơn cử, khách Ấn Độ thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không thích nghi được, doanh nghiệp không thể khai thác lâu dài thị trường khách này.
Do đó, các địa phương, doanh nghiệp muốn đón du khách Ấn Độ, cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ riêng, do nhóm khách này có những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, thói quen sinh hoạt, ẩm thực riêng biệt…
Để tiếp tục đẩy mạnh giao lưu du khách giữa hai quốc gia, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Subhash Prasad Gupta cho rằng, hai nước cần có sự quảng bá về nghệ thuật, ẩm thực, nghiên cứu về tính tương đồng, mùi vị. Ngoài ra, hỗ trợ quay phim, chia sẻ trên mạng xã hội, giới thiệu các điểm du lịch cưới của các tầng lớp trung lưu, nhất là du lịch chữa bệnh với chi phí hợp lý…
Bên cạnh đó, Ấn Độ là nơi khai sinh đạo Phật, nên họ thường ăn chay, không sát sinh. Việc ăn các loại củ vào ngày chay cũng cấm kỵ, họ chỉ ăn các loại ngũ cốc và không ăn thịt cá. Hiện việc lưu ý đến văn hóa trong các bữa ăn cho du khách Ấn còn đang rất yếu.
Về vấn đề này, ông Lê Vinh, chủ 8 khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội cho biết, văn hóa Ấn Độ có nét đặc trưng riêng, họ chú trọng các gia vị trong mỗi món ăn. Hiện nay, các đầu bếp chuyên món Ấn còn rất thiếu, hệ thống nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ món ăn Ấn Độ còn chưa phổ cập, chỉ dừng lại ở quy mô vài chục khách. Khi du khách Ấn Độ đến Việt Nam, phần lớn họ đều tới các khách sạn để ăn uống và không ăn ở ngoài, nên rất khó khăn trong dịch vụ ăn uống phù hợp với văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ.
Cũng theo ông Lê Vinh, Nhà nước cần có chính sách cởi mở hơn trong việc làm visa cửa khẩu để du khách Ấn Độ dễ dàng vào Việt Nam, cũng như visa lao động cho các đầu bếp từ Ấn Độ. Mặt khác, để giải được bài toán đa dạng sản phẩm dịch vụ phục vụ tốt cho thị trường này, trước mắt cần có những chính sách như cho phép đoàn du khách Ấn Độ được mang theo đầu bếp riêng và được mượn không gian bếp để có thể tự nấu nướng.
“Cùng với đó, Việt Nam cần phải nhanh chóng đào tạo nhân sự có thể nấu được các món ăn Ấn Độ để chủ động trong việc đón tiếp thị trường khách tiềm năng này”, ông Lê Vinh nhấn mạnh.