Người trẻ gặp hoạ vì thuốc lá điện tử
Thanh thiếu niên là đối tượng được nhắm tới bởi các loại thuốc lá thế hệ mới. Thực tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một gia tăng bất chấp những lời cảnh báo về nguy hại lâu dài của loại sản phẩm này tới sức khỏe.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, tại 34 tỉnh của Việt Nam năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành đã tăng tới 18 lần, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi khác.
Trong đó có một mối lo lớn là về thuốc lá điện tử khi 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Chưa kể, việc tăng nhanh tỷ lệ người trẻ sử dụng thuốc lá thế hệ mới cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020 đến nay, chỉ riêng Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc, nguy hiểm tính mạng do sử dụng thuốc lá điện tử.
Nhiều trường hợp khác thì gặp các triệu trứng rối loạn tâm thần do sản phẩm độc hại này. Trên phạm vi cả nước, rất nhiều bệnh viện cũng ghi nhận các bệnh nhân trẻ tuổi phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện nặng do thuốc lá điện tử.
TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thuốc lá điện tử khi vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe người dùng.
Cụ thể, nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất tạo hương vị; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư.
Ngoài ra, có nhiều chất khác chưa được kiểm duyệt thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác.
Một tác hại khác của thuốc lá điện tử là khuyến khích trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm, dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải những hệ lụy tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài.
Còn thông tin từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho thấy, gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người không may uống nhầm.
Loại hóa chất mà các đối tượng thường dùng để cho vào tinh dầu thuốc lá điện tử là ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Chất này thường gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương.
Ngăn thuốc lá điện tử gây hại thế hệ trẻ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện như một số đối tượng đang quảng cáo nhằm đánh lạc hướng người dùng.
Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường.
Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Cũng theo WHO, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện.
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
Thuốc lá thế hệ mới đang chưa được nhận diện đúng đắn, dẫn đến những hiểu nhầm và việc sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.
Trước thực trạng giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng mạnh, Bộ Y tế khuyến nghị nhiều trường học trên cả nước tổ chức chương trình ngoại khóa nhằm cung cấp kiến thức khoa học cho học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử. Đồng thời, mở ra cơ hội để các em được thể hiện ý kiến, quan điểm về các sản phẩm này.
Tại hội thảo mới đây do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức, ThS.Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, đã chỉ ra 3 ngộ nhận sai về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cụ thể, nó an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ.
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế cũng khẳng định, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường đang được chấp nhận kinh doanh và sử dụng hiện nay.
Theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ.
Trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son, nhiều hương vị (1.800 hương vị) có thể gây nghiện và giá rẻ.
Đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Chúng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên", bà Trang nhấn mạnh.
Chung quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, cũng khẳng định, thuốc lá điện tử là sản phẩm có hại cho sức khỏe và đang có thực trạng trà trộn ma túy. Vì vậy cần cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử, không cho phép thí sản phẩm này được phép lưu hành.
Các chuyên gia khác cũng đề xuất cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam, chú trọng đến trẻ em. Đồng thời, tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng.
Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).
Đồng tình với việc cấm thuốc lá điện tử, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội) đưa ra đề nghị chấm dứt thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, shisha đã xuất hiện tại Việt Nam có chứa chất gây nghiện đã gây tác hại rất nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hoặc có một văn bản quy phạm pháp luật để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam.