Đầu tư
Đề xuất cho các tỉnh Đông Nam Bộ giữ lại 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất
Lê Quân - 03/12/2024 07:24
Một số tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được giữ lại toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất để tăng cho đầu tư phát triển.

Kiến nghị này được các địa phương nêu ra tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 5 diễn ra ngày 2/12 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

GRDP vùng Đông Nam Bộ năm 2024 đạt thấp hơn mức bình quân cả nước

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng Đông Nam bộ đang có xu hướng chậm lại, khi GRDP vùng năm 2024 ước đạt 6,38%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (6,8%-7%). Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ đang đứng thứ 4 so với 6 vùng kinh tế.

Dù vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt hơn 733.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Hoạt động xuất khẩu của vùng phục hồi tích cực khi giá trị xuất khẩu ước đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Vùng Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến 31/10/2024, tương ứng 21.174 dự án với hơn 189 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 5

Dù vùng Đông Nam bộ vẫn đạt một số kết quả khả quan nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra nhiều thách thức mà vùng kinh tế năng động nhất cả nước đang phải đối mặt như hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế; giao thông kết nối giữa các địa phương thiếu đồng bộ; giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ, các vướng mắc về giải ngân đầu tư công còn chậm tháo gỡ.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn; chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistic đa dạng tại vùng Đông Nam bộ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng. Vì vậy, phải sớm có các giải pháp khắc phục kịp thời để đạt được mục tiêu đề ra trong cả nhiệm kỳ.

Đối với các nhiệm vụ được giao thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành theo tiến độ do các Đề án cần có ý kiến tham vấn của các tổ chức, nhà khoa học.

Hơn nữa, nhiều nội dung đề xuất các cơ chế chính sách chưa có trong quy định pháp luật hiện hành, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động.

Kiến nghị cho địa phương giữ lại 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất

Trong phần thảo luận, vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị nhất là việc bố trí nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng. 

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần ưu tiên đầu tư đường và cầu vượt sông Đồng Nai nối từ sân bay Biên Hòa qua Dĩ An đến đường Vành đai 3 TP.HCM; đường ven sông Sài Gòn kết nối từ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương đến TP.Thủ Đức, TP.HCM; nút giao Sóng Thần...

Để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cho phép các tỉnh, thành phố trong vùng được giữ lại toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất và được giữ lại 100% số thu ngân sách vượt so với chỉ tiêu Trung ương giao nhằm tăng đầu tư phát triển.

Đối với nguồn vốn đầu tư các tuyến metro, tỉnh Bình Dương kiến nghị cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro trên địa bàn tỉnh. Lãi suất trái phiếu do địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ của địa phương.

Cũng giống như Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng trọng điểm nhưng chưa bố trí đủ vốn cho dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, hiện nay Đồng Nai đang đầu tư nhiều dự án hạ tầng trọng điểm nhưng nguồn lực còn hạn chế, việc cân đối ngân sách còn gặp khó khăn.

Do đó, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn thực hiện một số dự án gồm: Dự án Tiêu thoát nước khu vực ngoài Sân bay Long Thành (giai đoạn 1); Dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sớm mở rộng đường cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo việc kết nối với Sân bay Long Thành đưa vào khai thác năm 2026.

Đồng thời, sớm hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Sân bay Long Thành.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong Vùng.

Trong đó, dự án đường Vành đai 4 (TP.HCM) do UBND TP.HCM là chủ quản đầu tư, quyết định chia tách các dự án thành phần tại các địa phương và có cơ chế chính sách phù hợp để triển khai, hoàn thành thủ tục trong quý I/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 5

Thủ tướng yêu cầu các nội dung đã thống nhất tại hội nghị cần hành động quyết liệt, có trọng tâm, làm việc nào dứt việc đó với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả".

"Trong năm 2025 vừa phải tăng tốc, bứt phá, tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhiệm kỳ, cùng với đó còn nhiều công việc quan trọng như vừa sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả, vừa tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương vừa tìm giải pháp tăng tốc bứt phá, rà soát các chỉ tiêu giai đoạn, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm. Đã làm là phải có kết quả cụ thể, chỉ bàn làm chứ không bàn lùi" Thủ tướng kết luận.

Tin liên quan
Tin khác