Việc phát triển liên kết vùng cần đảm bảo lợi ích vùng hài hòa với lợi ích của mỗi địa phương. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố là: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hội tụ đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, dầu khí…
“Nếu chúng ta làm tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế của Vùng. Do đó, theo tôi, trong thời gian tới, từng địa phương trong Vùng cần nâng cao trách nhiệm, xây dựng được một cấu trúc liên kết bền vững. Còn vẫn cách làm như hiện nay thì rất khó, vì các địa phương chỉ chăm lo lợi ích của mình chứ không vì lợi ích của cả vùng”, ông Thăng nói.
Liên quan đến những cái khó trong phát triển kinh tế vùng hiện nay, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, hiệu quả liên kết vùng khá hạn chế, trong đó có 3 vấn đề cực kỳ khó khăn cần phải vượt qua.
Khó khăn thứ nhất, các quy định của pháp luật về chính quyền và luật về ngân sách không cho phép quyền lực trung gian, quyền tài chính đầu tư trung gian, quyền đứng trên các cơ quan, tổ chức hành chính do dân bầu.
Khó khăn thứ hai, mỗi địa phương có tài chính độc lập, nên các lãnh đạo tỉnh, thành phố đang chịu sức ép về phát triển nhanh chóng như tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khó có thể bỏ gánh nặng của địa phương để gánh vác những trách nhiệm của vùng.
Cuối cùng, việc phát triển vùng phải cần thời gian để đạt đến độ chín muồi cả về quy mô và trình độ.
Do đó, theo các đại biểu, cần cơ chế xây dựng hiệu quả, gắn địa phương với cả vùng, thành đặc khu kinh tế mở cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không chỉ riêng TP.HCM. Bởi hiện nay, dù TP.HCM đã ký kết hợp tác, liên kết với từng địa phương, nhưng rất cần cơ chế tổng thể như việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách trọng tâm, tạo giá trị gia tăng, xây dựng công nghiệp hỗ trợ, thu hút các ngành phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, nhất là hạ tầng giao thông...
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải xây dựng cấu trúc vùng có cơ sở quyền lực và nguồn lực, tạo động lực để vùng phát triển dựa trên tinh thần thống nhất lợi ích giữa các địa phương khác nhau, hài hòa với lợi ích chung của cả vùng.
Những tuyến quy hoạch lớn của vùng phải đảm bảo không được xâm phạm dự án của địa phương và những dự án địa phương phải được chứng minh rằng lợi ích với vùng vượt trội hơn lợi ích địa phương. Để đảm bảo được nguyên tắc này, cần có một cơ chế điều hành bắt buộc, sau khi thống nhất được quy hoạch chung, phải có hệ thống giám sát thực hiện.
“Chúng ta có thể tiếp cận theo kiểu định hình chức năng cho từng địa phương. Thí dụ, Bình Phước, Tây Ninh là vùng sản xuất nông nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển logistics, cảng biển và TP.HCM là trung tâm tài chính dịch vụ”, ông Thiên đề xuất.