Đầu tư
Đề xuất đầu tư 29.274 tỷ đồng xây 128,8 km cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Anh Minh - 13/05/2023 08:02
Liên danh Vingroup – Techcombank giữ nguyên tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) ở mức 29.274 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.

Liên danh Vingroup – Techcombank (nhà đầu tư lập đề xuất dự án) vừa có tờ trình số 131.1/2023/TT – VGR – TCB đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.

Theo đó, Dự án có điểm đầu tuyến giao với đường Quốc lộ 14 hiện hữu tại Km1915-900 (Km1796+800 lý trình cao tốc đường Hồ Chí Minh) thuộc tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tuyến tại khu vực thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 128,8km, trong đó chiều dài tuyến cao tốc là 126,8km và 2km  tuyến kết nối từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Theo Quy hoạch mạng lưới dường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô là 6 làn xe hoàn chỉnh.

Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đối với chính tuyến cao tốc, liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật với chiều rộng mặt đường 24,75m, riêng đoạn qua địa phận thị xã Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25m. Trong giai đoạn phân kỳ, liên danh Vingroup – Techcombank đề nghị thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe, chiều rộng mặt đường từ 32,25m đến 33m.

Đối với 2km tuyến kết nối liên danh Vingroup – Techcombank kiến nghị đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, bề rộng mặt đường là 11.25m.

Trên tuyến dự kiến bố trí 2 trạm dừng nghỉ. Trong đó, trạm dừng nghỉ số 1 tại xã Đăk Sin (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) được bố trí hai bên đường, quy mô mỗi bên khoảng 1ha; trạm dừng nghỉ số 2 tại vị trí khoảng Km1881+200, gần nút giao ĐT741B (thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) được bố trí hai bên đường, quy mô mỗi bên khoảng 10ha.

Chi phí giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ được tính vào chi phí giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng đường cao tốc. Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, phương án và chi phí vận hành khai thác trạm dừng nghỉ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, tương tự như các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được đầu tư xây dựng.

Tại tờ trình số 131.1, liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất phân chia công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thành các dự án thành phần độc lập theo địa giới các tỉnh và giao các địa phương liên quan tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Với quy mô đầu tư như trên, tính sơ bộ tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 (đã bao gồm phần vốn nhà đầu tư huy động, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP và bao gồm cả lãi vay với lãi suất là 10,5%/năm) là 29.274 tỷ đồng.

Trong quá trình rà soát tổng mức đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 (đã bao gồm phần vốn nhà đầu tư huy động, phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án PPP và bao gồm cả lãi vay với lãi suất là 10,7%/năm) là  25.540 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên cơ sở tình hình thực tế hiện nay, đồng thời cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, liên danh Vingroup – Techcombank chịu trách nhiệm thu xếp phần vốn đầu tư dự án với tỷ lệ 50:50 đảm bảo theo đúng pháp luật PPP (vốn nhà đầu tư 50%, vốn nhà nước 50% trên tổng mức đầu tư của Dự án), và trong mọi trường hợp không vượt quá 16.000 tỷ đồng.

Vì vậy liên danh nhà đầu tư đề xuất phương án giá trị tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 29.274 tỷ đồng sau thuế để đảm bảo tính đủ nguồn đầu tư cho Dự án, hạn chế phải thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư làm chậm chễ tiến độ triển khai.

Dự kiến, vốn do nhà đầu tư huy động tại Dự án là 14.637 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư); vốn Nhà nước tham gia trong dự án là 14.637 tỷ đồng (chiếm 50%), dùng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ xây dựng công trình.

Liên danh nhà đầu tư đề xuất mức giá thu phí dịch vụ khởi điểm là 1.700 đồng/phương tiện tiêu chuẩn/km, mức tăng giá dịch vụ khoảng 15%/3năm/lần. Thời gian hoàn vốn Dự án là khoảng 19 năm.

Nếu công tác chuẩn bị đầu tư thuận lợi, Dự án sẽ thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng trong quý IV/2023; thực hiện giải phóng mặt bằng từ quý III/2023 đến quý I/2024; triển khai xây dựng từ quý I/2024 đến năm 2025; bàn giao đưa công trình vào khai thác năm 2026.

Tin liên quan
Tin khác