Đầu tư
Đề xuất đầu tư gần 590 tỷ đồng xây hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận
Kỳ Thành - 25/10/2019 02:27
Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm mới,ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Trình bày Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư công, Dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

Đến nay, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, các thành viên Chính phủ và đã được Chính phủ thông qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về sự cần thiết đầu tư của Dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biêt, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận, nguồn nước mặt hàng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện.

Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây Thanh long về mùa khô.

Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, để phát triển kinh tế xã hội, ông Dũng nói.

Việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét nhằm tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; nước cho sinh hoạt của người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của khu công nghiệp Hàm Kiệm II; cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du sông Cà Ty (giảm lưu lượng đỉnh lũ 320 m3/s, giảm mực nước lũ 55cm) đi qua thành phố Phan Thiết đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Dự án có tổng mức đầu tư 585,65 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đầu mối như: đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước, công trình điều tiết và kênh chuyển nước, kênh chính Hàm Cần và hệ thống kênh khu tưới Mỹ Thạnh.

Vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác: Phục vụ cho các công tác đền bù giải phóng mặt bằng, các công tác tư vấn như: đo đạc bản đồ địa chính, đánh giá tác động môi trường, rà phá bom mìn, nguồn dự phòng cho dự án… UBND tỉnh Bình Thuận ủy quyền cho Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận làm Chủ đầu tư Dự án. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án thông qua Ban quản lý dự án trực thuộc. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 8 thông qua chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét do dự án có quy mô nhỏ tương đương nhóm B và tỉnh Bình Thuận có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn, đề nghị giao cho UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án.

Thẩm tra Dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, Dự án có sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Căn cứ các điều trong Luật Đầu tư công và Luật Lâm nghiệp thì Dự án Hồ chứa nước Ka pét thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác.

Theo ông Phan Xuân Dũng, diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi tuy là 162,55 ha, chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần, nhưng thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng lượng rừng khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Khu vực sẽ là lòng hồ trong tương lai không có dân cư sinh sống (không phải di dân tái định cư), không có tài nguyên khoáng sản, di tích lịch sử văn hóa và công trình kiến trúc phải bảo vệ, bảo tồn.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc xây dựng hồ chứa nước lớn - là công trình sử dụng lâu dài (tuổi thọ là hàng trăm năm), trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam với các mục tiêu như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm mới,ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững.

Tin liên quan
Tin khác