Đó là một trong những đề xuất của bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra ngày 22/12/2023, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thái Hoài Anh cảm ơn nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành vì đã có những chỉ đạo quyết liệt, ban hành chính sách, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hoá như nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, công viên văn hoá… theo hình thức đối tác công tư. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Với 16 năm hình thành và phát triển, với tôn chỉ “làm đẹp những vùng đất”, Tập đoàn Sun Group luôn cố gắng phát triển, sáng tạo các sản phẩm du lịch bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của dân tộc, giữ gìn bản sắc của con người và thiên nhiên tại những vùng đất nơi Tập đoàn đặt chân tới.
Tập đoàn Sun Group đề xuất cần coi nhiệm vụ Quy hoạch Công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Công nghiệp văn hóa từng thời kỳ là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
“Quy hoạch công nghiệp văn hóa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân rã tới từng Vùng, Tỉnh, đơn vị. Đồng thời, Quy hoạch Công nghiệp Văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với quy hoạch Vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác.
Đối với Quy hoạch công nghiệp văn hóa, Chúng tôi mạnh dạn đề xuất, cần có cơ chế huy động xã hội hóa về nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group nói.
Về cơ chế chính sách, bà Nguyễn Thái Hoài Anh cho biết Tập đoàn Sun Group nhận định, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về văn hóa, du lịch là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm và lĩnh vực văn hóa, theo chúng tôi đánh giá, chưa có cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư như các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai,…
“Vì vậy, kính đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư văn hóa”, đại diện Sun Group nhấn mạnh.
Về cơ chế xã hội hóa đầu tư, bà Nguyễn Thái Hoài Anh đề nghị có cơ chế khuyến khích các Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án công trình văn hoá như Nhà hát, Trung tâm Thể dục thể thao, Công viên văn hoá… theo hình thức đối tác công tư.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, với mong muốn nghiên cứu, đầu tư và xây dựng công trình kiến trúc mang dấu ấn vượt thời gian tại Thủ đô Hà Nội, Tập đoàn Sun Group đã chủ động liên hệ với kiến trúc sư huyền thoại người Ý, Renzo Piano để đề xuất thiết kế công trình văn hóa đẳng cấp dành riêng cho Hà Nội. Kiến trúc sư Renzo Piano được biết đến như kiến trúc sư vĩ đại nhất thế giới thời hiện đại, Ông vinh dự nhận giải thưởng Pritzker Prize vào năm 1998, tương đương giải Nobel trong nghành kiến trúc. Nhà hát Stavros Niarchos do Renzo Piano thiết kế tại Hy Lạp hoàn thành xây dựng năm 2017. Ngay lập tức, công trình này trở thành một điểm tổ chức văn hóa quan trọng của châu Âu, mỗi năm tổ chức trung bình 3.500 sự kiện văn hóa, cũng như thu hút được 3 triệu lượt khách tham quan.
Kiến trúc sư Renzo Piano đã tốn nhiều năm lên ý tưởng, dựa trên vẻ đẹp, văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của Hồ Tây, những câu chuyện văn hóa cổ xưa vào việc thiết kế nhà hát. Đồng thời, kết hợp với vật liệu xây dựng và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới vào tác phẩm này.
“Chúng tôi tin tưởng, nếu được triển khai Nhà hát đa năng tại khu vực bán đảo Quảng An, thì đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp, biểu tượng của Thủ đô thời kỳ mới, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội, là điểm đến của Thế giới và là niềm tự hào của công trình văn hóa đương đại”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group chia sẻ.
Tuy nhiên, tính tới nay, dù các cấp chính quyền Hà Nội đã hết sức nỗ lực, dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ. Vì vậy, Tập đoàn Sun Group đề xuất, cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để triển khai công trình văn hóa mang tầm thế giới tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp, chất lượng, bà Nguyễn Thái Hoài Anh cho rằng, thực tế đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc, cũng như, cần có trình độ, kỹ thuật, ngoại ngữ…
Nêu thực tế, Tập đoàn Sun Group chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như sử dụng lực lượng lao động là người địa phương, người dân tộc để quảng bá văn hóa, du lịch bản địa.
Điển hình như tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend, nhiều năm liền được World Travel Awards bình chọn là “điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới”, mỗi năm Chúng tôi tổ chức hàng loạt lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa bản địa như: “Lễ hội ẩm thực Tây Bắc” do chính những người dân tại Tây Bắc chuẩn bị và thực hiện; Giải đua “Vó ngựa trên mây” tái hiện những khoảnh khắc kiêu hùng của “kỵ sỹ” vùng cao ; hay mới đây, du khách có thể dễ dàng tìm hiểu đời sống tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề truyền thống và các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tới từ chính những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số tại Sunworld Fansipan Legend.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Tập đoàn Sun Group đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, tỉnh thành, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương.