Nhiều xe đạp điện có vận tốc lên tới 40km/giờ và không khác gì xe máy. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Tuy nhiên, Nhà nước cần ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn đồng thời việc sử dụng và chuyển đổi sang xe điện sẽ cần nguồn tính toán về nguồn năng lượng điện cần thiết để phục vụ quá trình phát triển cũng như lộ trình chuyển đổi về mặt thời gian.
Tại hội thảo nghiên cứu “Xu hướng di chuyển bằng xe điện tại Việt Nam", ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tất cả kết quả nghiên cứu đến nay thừa nhận, xe chạy bằng điện chiếm ưu thế về bảo vệ môi trường đặc biệt là tỷ lệ phát thải các chất ra môi trường, tác động không khí nước, tiếng ồn so với phương tiện hóa thạch.
Nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với cạn kiệt năng lượng hóa thạch, ông Hùng cho rằng, các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch với nhiều công nghệ khác nhau, giải pháp nâng cao hiệu suất động cơ nhưng nhiên liệu hóa thạch là hữu hạn.
“Có một dự báo 50-100 năm nữa không còn nhiên liệu hóa thạch sử dụng. Cho dù nhiên liệu hóa thạch sử dụng trực tiếp động cơ xe máy, ôtô, phát điện thì đều có nhược điểm phát thải ra môi trường,” ông Hùng nói.
Nhìn nhận nhiều quốc gia sử dụng năng lượng điện cho xe tải trên đường cao tốc nhưng ở Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mong muốn các nghiên cứu này sẽ chỉ ra được lợi ích của xe chạy điện, đưa ra được mô hình hệ sinh thái xe chạy ở Việt Nam, chỉ ra quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cần quan tâm điều chỉnh, để có những bước tiếp theo thể chế hóa tìm ứng dụng cụ thể kết quả nghiên cứu giúp tìm kiếm phương thức, giải pháp giao thông không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt và ngày càng đắt đổ trên thế giới.
Đại diện nhóm nghiên cứu dự án đến từ trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, sử dụng phương tiện lắp động cơ điện thay thế động cơ đốt trong đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến nhu cầu lượng điện cần thiết và các kịch bản khi chuyển đổi sang sử dụng xe điện trong đó chú trọng đến việc bố trí các trạm sạc điện, quá trình xử lý pin xe điện thải loại ra môi trường, những rào cản khi chuyển đổi xe điện, định hướng và chương trình chính sách khuyến khích sử dụng xe điện tại nước ta…
“Tất cả những nghiên cứu này sẽ được chuyển đến các cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Đăng kiểm, Vụ Môi trường, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy… để có bức tranh tổng thể về thực trạng, thị phần xe điện và xu hướng phát triển trong tương lai cũng như những thách thức đối mặt để từ đó có biện pháp và khung chính sách tháo gỡ nhằm đưa loại phương tiện thân thiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,” đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, một con số thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta có đến 4.000-5.000 người thiệt mạng vì ô nhiễm môi trường nên việc thay đổi phương tiện hoá thạch sang nhiên liệu ít phát thải hơn là bước đi tích cực.
Để người dân sử dụng, tiếp cận đến xe điện, ông Minh kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn xe máy điện vì hiện nay ranh giới giữa xe máy điện và xe đạp điện chưa rõ ràng. Xe máy điện có công suất ngang xe cơ giới nên cần phải có bằng lái quy định ngang nhau.
“Kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông cho thấy, có tới 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh là rơi vào việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Tại các trường học, dễ dàng bắt gặp người dưới 16 tuổi chạy xe điện thoải mái nhưng những đối tượng này thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trên đường nên rủi ro nhiều. Do đó, cần ban hành quy định những người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải có chứng chỉ về kiến thức, kỹ năng,” ông Minh gợi ý.
Vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đưa ra đề bài nhóm nghiên cứu cần làm rõ việc tái chế pin thu gom nếu không hợp lý mức độ ảnh hưởng sẽ trầm trọng đến môi trường; chuẩn bị điều kiện pháp lý; kết cấu hạ tầng giao thông; tuyên truyền giảng dạy để tham gia giao thông an toàn...
“Hiện chưa yêu cầu đăng kiểm xe đạp điện, máy điện. Xe không có nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi sẽ phải quản lý chặt hơn để đảm bảo an toàn giao thông,” ông Minh khẳng định.