Tỉnh Bình Định có tiềm năng lớn để phát triển các dự án điện gió. Trong ảnh: Một dự án điện gió ven bờ tại Bình Định. Ảnh: Dũng Nhân |
Vướng nhiều quy định
Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho Công ty PNE AG khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ, thời gian khảo sát, nghiên cứu là 12 tháng (kể từ ngày cho chủ trương).
Ngày 13/4/2022, Tập đoàn PNE (Đức) chính thức gửi hồ sơ đề xuất Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu tới UBND tỉnh Bình Định. Theo hồ sơ, Dự án sẽ xây dựng 154 - 166 tua-bin gió, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn I (Dự án Hòn Trâu 1) có công suất 700 MW, giai đoạn II (Dự án Hòn Trâu 2) có công suất 700 MW, giai đoạn III (Dự án Hòn Trâu 3) có công suất 600 MW), dự kiến lần lượt đưa vào vận hành phát điện trước các năm 2030, 2032 và 2035.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nếu Dự án được triển khai, thì sẽ đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước và khu vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định.
Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư vì “đụng đâu vướng đó”.
Một trong những kiến nghị quan trọng của Tập đoàn PNE là tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn PNE triển khai thực hiện việc lập hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
Đối với đề nghị cấp Giấy phép khảo sát biển, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hướng dẫn PNE lập hồ sơ, thủ tục gửi cấp có thẩm quyền để được chấp thuận việc thực hiện đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định.
Trong báo cáo gửi Bộ Công thương ngày 24/12/2023, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ xem xét đưa các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh (trong đó có Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu) vào Danh mục Các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để có cơ sở cho Tập đoàn PNE triển khai đầu tư Dự án, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh tuyến vận tải biển; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về khảo sát biển và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc chồng lấn với phạm vi hoạt động của trạm radar để thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.
Đây cũng là nội dung kiến nghị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định báo cáo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương trong buổi làm việc vào ngày 4/3/2024 tại TP. Quy Nhơn.
Ngày 5/2/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 42/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Bình Định, tại Công văn số 1263/BCT-KHTC ngày 29/2/2024, Bộ Công thương nêu rõ, các
dự án điện gió ngoài khơi hiện chưa được xác định cụ thể trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện, do chưa có Quy hoạch Không gian biển quốc gia.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, “việc phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư chỉ có thể thực hiện khi có các quy định mới về phát triển điện gió ngoài khơi được cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc xin cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi”.
Kiến nghị của nhà đầu tư
Ngày 24/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE điều chỉnh diện tích, phạm vi nghiên cứu, lắp đặt thiết bị đo gió trên khu vực biển đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi mở rộng về phía Nam thuộc địa bàn các xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn). Thời gian khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió là 24 tháng, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương.
Trên cơ sở công văn của UBND tỉnh Bình Định, PNE đã rà soát, đề xuất khu vực phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh theo hướng chia Dự án thành 3 giai đoạn, tổng công suất 2.500 MW.
Ông Markus Lesser, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE cho hay, sở dĩ PNE chọn tỉnh Bình Định để triển khai Dự án bởi đánh giá cao tiềm năng gió, thế mạnh vị trí địa lý của Bình Định cũng như quy trình, thủ tục đầu tư đơn giản tại địa phương…
Báo cáo những khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ để triển khai dự án, Tập đoàn PNE nêu một số kiến nghị.
Cụ thể, PNE kiến nghị phối hợp xây dựng phương án thay thế tổng thể thành một giải pháp thay thế hiệu quả; có các cam kết rõ ràng của các cơ quan về khu vực ưu tiên cho PNE thực hiện Dự án, trong đó có ý kiến của Bộ Quốc phòng và việc lắp đặt thiết bị đo gió cho khu vực đề xuất mở rộng.
Tập đoàn cũng đề xuất phân bổ đủ công suất điện gió ngoài khơi cho Bình Định và đưa Dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; sớm ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy phép khảo sát biển; giải quyết vấn đề chồng lấn với tuyến vận tải ven biển; đưa vị trí các trạm biến áp nâng áp để đấu nối dự án vào lưới điện quốc gia vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương; làm rõ vấn đề chồng lấn Quy hoạch Cảng Phù Mỹ và các quy hoạch khác…
Để giải quyết các kiến nghị này, ngày 14/3, UBND tỉnh Bình Định có buổi làm việc với Tập đoàn PNE. Thông tin về kết quả buổi làm việc, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, các sở, ngành cùng rà lại các nội dung để tạo điều kiện cho Tập đoàn PNE thực hiện dự án, nhưng “chưa giải quyết xong”.