Dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Đức Thanh |
Gió lộng cũng thua dịch
Theo Bộ Công thương, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió) đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam. Đã có rất nhiều dự án điện gió được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng.
Cụ thể, tới tháng 3/2020, có 78 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW; 11 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 377 MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW với kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực của các địa phương đối với gần 250 dự án điện gió, có quy mô tới 45.000 MW. Trong số này, có 3 dự án điện gió ngoài khơi xa bờ với quy mô 4.900 MW.
Theo bộ này, việc mới có rất ít dự án điện gió được đưa vào vận hành xuất phát từ nhiều yếu tố, như vướng mắc trong áp dụng Luật Quy hoạch, ảnh hưởng của Covid-19 và thực tế thi công các dự án này.
Cụ thể, sau thời điểm Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018, hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất dự án điện gió bị ngừng trệ trong hơn 1 năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch (có hiệu lực 1/1/2019). Vì vậy, mới có 4.800 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch; 45.000 MW khác được đề xuất và đang được Bộ Công thương thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch.
Không chỉ tắc ở quy hoạch, Covid-19 cũng được nêu ra như một nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tua-bin, thời gian thi công và lắp đặt của các dự án điện gió hiện tại. Thời gian qua, Bộ Công thương đã tiếp nhận nhiều phản ánh về những khó khăn mà doanh nghiệp điện gió đang phải đối mặt.
Theo đánh giá của bộ này, hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị chính, linh phụ kiện của các dự án điện gió đều bị thiếu hụt và đình trệ trên toàn thế giới do Covid-19, việc xuất nhập cảnh của chuyên gia kỹ thuật nước ngoài bị gián đoạn, nên các dự án điện gió đang triển khai khó đạt tiến độ như dự kiến.
Ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận cho biết, thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió vận hành ổn định trên 20 năm, còn phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi trên 100 m.
Với thực tế hiện chỉ còn chưa tới 18 tháng là đến thời hạn 1/11/2020, nên sự lo lắng của các nhà đầu tư đã khiến Bộ Công thương phải tính toán.
Kéo dài giá cố định
Trong đề xuất mới nhất của Bộ Công thương có nhắc tới thực tế phần lớn các nguồn điện chậm tiến độ 1 - 2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than ở miền Nam dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2021 như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Sông Hậu II, Long Phú III, Nhiệt điện Ô Môn III, IV, hay các dự án điện dùng khí Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch. Vì vậy, nhiều khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam trong giai đoạn 2021 - 2025, nên phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng điện năng toàn quốc.
Trước thực tế đó, phát triển điện gió được Bộ Công thương và Viện Năng lượng Việt Nam xem là một giải pháp quan trọng cho cấp điện trong giai đoạn tới.
Cụ thể, với quy mô phát triển 11.630 MW điện gió ở phương án cao, sản lượng điện gió bổ sung trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ khoảng 3.400 - 7.400 GWh/năm, thay thế cho sản lượng điện từ nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu có chi phí sản xuất điện rất cao và góp phần giảm phát thải khí CO2 (khoảng 5 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, để làm được điều này, Bộ Công thương cho rằng, cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định (FiT), bảo đảm đủ thời gian để phát triển các dự án đã có trong quy hoạch (khoảng 4.800 MW) và huy động thêm lượng công suất cần thiết cho giai đoạn 2020 - 2025.
Đến nay, đã có 9 địa phương đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá điện gió cố định cho các dự án đưa vào vận hành đến năm 2022 – 2023, do vướng mắc về áp dụng Luật Quy hoạch, khó khăn trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên biển và ảnh hưởng của Covid-19.
Đây cũng là các địa phương có tiềm năng lớn cho phát triển điện gió, tập trung ở Tây Nguyên, Tây Nam bộ và sự phát triển điện gió ở khu vực này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương.
Dẫu vậy, đề xuất chính thức của Bộ Công thương cũng chưa thể làm yên lòng các nhà phát triển điện gió, bởi không biết giá điện mới sau ngày 1/11/2021 sẽ thế nào để tính toán hiệu quả.
Nếu xét thực tế đã diễn ra với điện mặt trời trong quá khứ khi phải chờ tới 9 tháng mới có giá điện mới và chỉ còn thời gian hiệu lực trong 7 tháng, thì điện gió khó lòng tính được đường xa, nhất là từ nửa đầu năm 2021 sẽ có Chính phủ mới điều hành.
Đề xuất của Bộ Công thương
- Kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg tới hết ngày 31/12/2023.
- Giao Bộ Công thương đề xuất giá mua điện gió mới áp dụng từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/12/2023 để Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
- Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.