Điểm nóng
Đề xuất tái xuất thuốc lá lậu bị bắt: Chống buôn lậu vất vả bội phần
Duy Khang - 20/10/2016 08:37
Đề xuất cho phép được tái xuất thuốc lá lậu bị bắt từ một số địa phương miền Nam hiện nay có nguy cơ lãng phí công sức của các lực lượng chức năng trong chống thuốc lá lậu.
TIN LIÊN QUAN

Cam kết quốc tế

Theo Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở địa phương tổ chức thực hiện việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu.

Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg cũng thể hiện cam kết tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu của Chính phủ Việt Nam tại Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá  (FCTC) của WHO mà Việt Nam đã tham gia.

Nếu tái xuất thuốc lá lậu bị bắt, sẽ gây lãng phí công sức phòng chống thuốc lá lậu của lực lượng chức năng.

Cụ thể, Khoản 4c, Điều 15 của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy

Cũng căn cứ theo Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2015/TT-BTC, hướng dẫn cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá để hình thành Quỹ Phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (gồm có kinh phí hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu).

Sau hơn một năm thực hiện, việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã góp phần đẩy lùi tình trạng tái thẩm lậu thuốc lá tái xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho hay, ngay trong năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, lượng thuốc lá nhập lậu đã giảm 30% so cùng kỳ năm trước, góp phần tạo môi trường hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và là nguyên nhân khiến nộp ngân sách nhà nước tăng 6,2% (hơn 1.000 tỷ đồng).

Không nương tay với thuốc lậu

“Qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá cho thấy, chủng loại thuốc lá điếu nhập lậu vào Việt Nam rất đa dạng, nhưng chủ yếu là thuốc lá JET và HERO, chiếm khoảng 80%. Đây là nhãn hiệu chủ yếu được sản xuất tại Indonesia và nhập lậu vào Việt Nam thông qua đường biên giới của nước ta với Lào và Campuchia. Các sản phẩm này không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng của một cơ quan nào. Các loại thuốc lá giá thấp như Golden Deer, Ram, Nelson… cũng tương tự như vậy. Do đó, nếu các loại thuốc lá nhập lậu được tái xuất, thì nguy cơ quay tái thẩm lậu về Việt Nam là rất cao”, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận xét.

Lý do khiến các loại thuốc lá nhập lậu, nếu không được tiêu huỷ, sẽ quay lại thẩm lậu vào Việt Nam được cho là do thuốc lá JET, HERO và các loại thuốc lá cấp thấp khác như Golden Deer, Ram, Nelson không còn phù hợp ở các nước trong khu vực và hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

Theo tổng kết của Bộ Công thương, năm 2015, ngân sách nhà nước thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 500 triệu USD do thuốc lá nhập lậu.

Do không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng, các loại thuốc lá này không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu ở đa số các nước. Nghĩa là, việc tái xuất đến một thị trường nước ngoài nào đó là không thực tế và nếu có thì cũng là giải pháp để đưa số lượng thuốc lá lậu này trở lại Việt Nam.

Bởi vậy, trước đề nghị của một số địa phương về cho tái xuất thuốc lá lậu, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, mà cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, cần làm sáng tỏ việc trước đây các địa phương đã tái xuất thuốc lá lậu sang một số nước có thực chất hay không?

“Cần kiểm tra xem có đúng thuốc lá lậu được tái xuất từ Việt Nam sang thị trường đó không? Các công ty nhập khẩu thuốc lá lậu ở nước ngoài có thực sự tồn tại không, hay cuối cùng toàn bộ số thuốc lá lậu đó lại tái thẩm lậu vào Việt Nam, gây tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gây tác hại cho người tiêu dùng cũng như làm rối loạn môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Cường nhận xét và cho biết thêm, theo đề nghị của các lực lượng chức năng, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã đồng ý tăng mức hỗ trợ kinh phí phòng chống, tiêu hủy thuốc lá lậu từ 3.500 đồng/bao lên 4.500 đồng/bao từ ngày 1/1/2017.

Tin liên quan
Tin khác