Phối cảnh cầu Phước An về đêm - Ảnh: BQLDA |
Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa có tờ trình số 818/TTr – BQLDA đề nghị Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cầu Phước An.
Dự án cầu Phước An có mục tiêu xây dựng cầu vượt sông Thị Vải, kết nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến có chiều dài 4,3 km, điểm đầu kết nối với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải giai đoạn 1; điểm cuối kết nối với Dự án đường vào cảng Phước An. Phần tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, vận tốc thiết kế 70km/h; phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3.514 m, thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế cầu TCVN 11823:2017; tĩnh không thông thuyền cầu Phước An là 123 mx55 m. Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5 m; cầu chính rộng 25 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Điểm nhấn kiến trục tại Dự án cầu Phước An chính là nhịp chính được thiết kế là cầu dầm cáp hỗn hợp sử dụng hai mặt phẳng dây có sơ đồ nhịp là 137,5 m+ 250m + 137,5m; tháp cầu trụ chính bằng bê tông cốt thép vuốt cong vào giữa tạo kiến trúc, hình dạng “Ngọn lửa – Cánh buồm” theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt.
Tổng mức đầu tư Dự án là 4.878 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021 – 2025.
Đại diện Ban quản lý dự án cho biết, Dự án sẽ khởi công khi được bố trí vốn và hoàn thành công trình sau 5 năm thi công.
Dự án cầu Phước An là dự án thành phần thuộc Dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (với chiều dài là 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới cảng Phước An, tỉnh Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 1,4 km).
Dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây), qua đó kết nối toàn bộ Nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, Tp.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; đồng thời, giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác.